Theo thông tin từ báo Công lý, sáng ngày 11/8, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã có báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ trên địa bàn cả nước. Trong đó, chỉ tính riêng Tây Nguyên và Nam bộ đã có 10 người chết, 1 người mất tích; 5 người bị thương. Thiệt hại tài sản hơn 1.000 tỉ.
Theo đó, tại Thủy điện Đăk Kar, khoảng 5.000 người dân thuộc tỉnh Bình Phước được di dân trước đây đã về trở lại. Mực nước hồ đang giảm, đến 6h30 11/08 mực nước hồ ở +473,73m (thấp hơn cao trình đỉnh đập 6,77m, dưới cao trình MNDBT 1,27m), giảm 4,27m so với thời điểm mực nước cao nhất và 2,22m so với sáng 10/8. Cửa tràn bên trái đã nâng được 0,8m/8,5m, cửa tràn bên phải đã nâng được 0,6m/8,5m.
Số người tử vong gồm 10 người ở các tỉnh: Gia Lai: 01 người; Đắk Lăk: 01 người; Đắk Nông: 05 người; Kom Tum: 02 người; Lâm Đồng: 01 người. Người bị mất tích: 01 người (Đồng Nai) và 05 người bị thương (Đăk Lắc:01 người, Lâm Đồng: 04 người).
Về nhà ở: 3.883 nhà bị ngập nước (Đắk Lắk: 1079 nhà; Đắk Nông: 60 nhà; Bình Phước: 04 nhà; Đồng Nai: 32 nhà; Bình Thuận: 252 nhà; Gia Lai: 26 nhà; Lâm Đồng: 2.430 nhà); 1.437 nhà phải di dời (Đồng Nai: 869 nhà; Lâm Đồng: 548 nhà; Đắk Lắc: 20 nhà).
Về nông nghiệp: 20.976ha lúa, hoa màu bị ngập; 1.069ha cây trồng lâu năm, 2.582ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Mưa lũ ở Tây Nguyên và Nam Bộ gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng - Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường |
Vnexpress đưa tin, về nguyên nhân ngập lụt, ông Tạ Đăng Hoàn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên cho biết, Tây Nguyên đã xuất hiện mưa lớn bất thường tại nhiều khu vực. "Địa bàn vẫn xảy ra những trận mưa lớn trên diện rộng nhưng chưa có năm nào lớn dồn dập trong thời gian ngắn như vừa qua", ông Hoàn nói.
Trung bình 10 ngày đầu tháng 8 hàng năm lượng mưa tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 100 mm. Tuy nhiên, tổng lượng mưa trong ba ngày (từ ngày 6 đến 9/8) ở Đăk Lăk vượt 300%, Đăk Nông vượt 200%, Lâm Đồng 400% và cá biệt có nơi lên đến 500%.
Theo ông Hoàn, mưa lớn ở Tây Nguyên từ trước đến nay chủ yếu do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, bên cạnh ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Tháng 8 hàng năm, khi gió mùa Tây Nam hoạt động thì Tây Nguyên xuất hiện mưa vào chiều tối. Những ngày qua, cùng với gió mùa Tây Nam, Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới (đường hội tụ giữa hai đới gió Đông Bắc với gió Tây Nam trên vùng nhiệt đới) gây mưa lớn kỷ lục kéo dài.
Với hệ thống sông suối nhỏ, đô thị hóa ở Đăk Lăk và Lâm Đồng diễn ra nhanh khiến nước không thoát kịp và thủy điện xả lũ gây lũ lụt nặng nề. "Chưa thể xác định nguyên nhân chính gây lũ ở Tây Nguyên, nhưng không loại trừ do khai thác gỗ quá mức", ông Hoàn nói và cho biết may mắn là địa hình đồi núi thấp, mặt bằng lớn nên không xảy ra sạt lở, lũ quét như một số vùng ở phía Bắc.