Nhóm nghiên cứu từ Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đã phân tích tín hiệu của sóng địa chấn đi qua trái đất để tìm ra bằng chứng về một trận mưa tuyết bí ẩn ở khu vực "địa ngục" nóng bỏng sâu nhất hành tinh.
Chính sự sai lệch khó hiểu giữa dữ liệu sóng địa chấn thực tế và dữ liệu sóng được tính toán từ mô hình trái đất trong phòng thí nghiệm đã hé lộ lõi trái đất không chỉ là một khối cầu bình lặng.
Lõi ngoài của trái đất đang đổ mưa tuyết bằng sắt xuống lõi trong - Ảnh: Đại học Texa ở Austin |
Lõi trái đất gồm phần lõi ngoài nóng chảy với sắt, niken và một số nguyên tố kim loại nhẹ; bên trong là lõi trong cứng rắn. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm thấy một trận mưa tuyết kinh hoàng đổ hàng trăm km từ lõi ngoài xuống lõi trong của hành tinh.
Mưa tuyết này là các hạt sắt, rơi từ lõi ngoài nóng chảy xuống bề mặt lõi trong, nguội dần đi và đóng thành lớp dày bên trong lõi.
Bên trong trái đất - Ảnh: Đại học Texa ở Austin |
Theo giáo sư Jung-Fu Lin, hiện tượng này đã giải thích được một quá trình mà giới khoa học đã tìm ra từ lâu ở các hành tinh đá như trái đất: lõi ngoài nóng chảy nguội dần đi theo sự tiến hóa của hành tinh, co dần lại; trong khi phần lõi trong thì ngày một tăng trưởng.
Vì vậy, nghiên cứu này đã đem tới một góc nhìn mới, một bước tiến lớn trong khoa học hành tinh, giúp các nhà khoa học hiểu được thêm nhiều điều về cách thức trái đất và các hành tinh khác hình thành và phát triển.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên Journal of Geophysical Research: Solid Earth.