“2 trong 1” hay “1 gấp 2”?
Khi giải trình trước Quốc hội về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, vẫn duy trì kỳ thi THPT Quốc gia nhưng chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông, chứ không phải là kỳ thi “2 trong 1”. Trường ĐH có sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia làm căn cứ để xét tuyển hay không là quyết định của các trường đó.
Nhưng trong buổi làm việc với đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng ban Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn hồi giữa tháng 11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia Kỳ thi… Theo đó, kết quả thi THPT trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Cho đến bây giờ, Bộ vẫn chưa đưa chính thức đưa ra phương án thi nào, chỉ tiết lộ rằng dự kiến cuộc thi THPT quốc gia 2019 sẽ có nhiều thay đổi quan trọng cả về ra đề, chấm thi, xét tốt nghiệp… Rất nhiều thầy và trò chia sẻ trên mạng xã hội bày tỏ cảm giác “ngồi trên đống lửa” vì không rõ mình sẽ thi kiểu gì? Nếu không xét đại học, thì một cuộc thi tốt nghiệp THPT cần bao quát kiến thức quá rộng có nặng gấp đôi hay không?
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) chia sẻ với báo chí rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2019 còn rất nhiều băn khoăn? Đến thời điểm này, kỹ thuật làm đề và chuẩn hoá để có ngân hàng đề thi chuẩn không kịp nữa rồi, lấy đâu ra học sinh cuối lớp 12 để thử nghiệm, phân tích trắc nghiệm rồi chuẩn hoá đề thi?
Ngày càng quá tải...
Trên thực tế, không phải học sinh nào cũng có điều kiện thi đại học và mong muốn bước chân vào cánh cổng đại học. Nhiều học sinh trình độ trung bình chỉ cần tấm bằng tốt nghiệp THPT để hoàn thiện hồ sơ đi làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động. Nhưng mong muốn đó dường như ngày càng khó khăn và nặng nề.
“Em chỉ muốn có bằng tốt nghiệp đi làm công nhân cũng được, chỉ cần được nhà trường xét tốt nghiệp thôi mà sao khó quá. Năm cuối cấp không chỉ áp lựcvề chương trình học mà còn áp lực lo lắng về kỳ thi phía trước, Bộ cứ thay đổi liên tục khiến việc kết thúc cấp học ngày càng quá tải, phức tạp” – Đoàn Văn Hợi (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ.
Không chỉ những học sinh top cuối như Đoàn Văn Hợi lo lắng, ngay cả những HS top đầu với thành tích 12 năm học sinh giỏi cũng thấy… ngợp trong bài vở. “Em không biết học sao cho đủ để đón đầu những thay đổi trong kì thi THPT sắp tới” – Huyền Trang (THPT Lương Thế Vinh) phát biểu.
Trong buổi thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 15/11 mới đây, không ít đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ lo lắng về chuyện thi cử của học sinh, nhất là thi THPT quốc gia và đại học năm 2019.
Đại biểu Hứa Thị Hà băn khoăn: “Chúng ta không thể phủ nhận việc thi cử ảnh hưởng tác động đến quá trình dạy và học, ảnh hưởng đến xã hội là rất lớn. Tôi chia sẻ với khó khăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi chưa giải quyết vấn đề này. Mặc dù trong những năm qua Bộ đã cố gắng thay đổi, cải tiến, nhưng thực sự giáo viên, học sinh và phụ huynh đã rất khó khăn để bắt kịp với thay đổi này. Việc dạy và học, thi cử cần có sự ổn định, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc chi tiết hơn vấn đề thi cử trong dự thảo luật”.
Chuyện thi cử từ chỗ học làm người đã thành cỗ máy học để thi, thầy và trò ai cũng căng thẳng, stress. Trong buổi thảo luận đó, đại biểu Cao Đình Thưởng kiến nghị, “sau học tập phải thi nhưng tổ chức phương án thi thế nào cho đúng, thực chất đánh giá, không tốn kém tiền bạc”.
Làm sao để kỳ thi THPT được ổn định, năm nọ gối năm kia, học sinh năm sau không còn hoang mang chờ phương án mới… - đó là những điều mà rất nhiều giáo viên và học sinh vẫn đang mong ngóng.