Việc phát hiện ra loài răng kiếm cổ xưa nhất trên Trái đất bắt đầu từ việc nghiên cứu một bộ sưu tập khảo cổ. Nhà cổ sinh vật học Ashley Poust của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego (Mỹ) đã xem xét thư viện hóa thạch này và phát hiện một chiếc hàm đáng nghi vấn và chưa được xác định.
Trước đó, hóa thạch được cho đã tìm thấy tại một công trường xây dựng ở miền nam California, và được lưu ý là có khả năng thuộc về một loài động vật ăn thịt sở hữu răng nanh có họ hàng gần gũi với loài mèo. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, Poust và các đồng sự nhận thấy chiếc hàm hóa ra thuộc về một loài động vật có vú rất khác và ít được biết đến. Loài này đã tiến hóa và có được hàm răng nanh sắc nhọn như dao vào hàng triệu năm trước khi loài mèo tồn tại.
Động vật răng kiếm được coi là thành công lớn nhất của các động vật ăn thịt trong quá trình tiến hóa. Theo thời gian, các loài động vật có vú với những chiếc răng nanh dài, sắc nhọn, thường được tạo hình là những kẻ săn mồi dữ tợn, vạm vỡ.
Được đặt tên là Diegoaelurus vanvalkenburghae, loài động vật ăn thịt có kích thước tương tự linh miêu này thuộc về một phân họ động vật có vú, ăn thịt được gọi là Machaeroidines. Hóa thạch của những sinh vật này hiếm đến mức rất khó để chỉ ra chúng có liên quan như thế nào với các loài động vật có vú khác. Tuy nhiên, việc chúng xuất hiện cho thấy thời kỳ bùng nổ ban đầu của các loài thú ăn thịt, sau cuộc đại tuyệt chủng khiến khủng long biến mất trên toàn thế giới. Với khoảng 42 triệu năm tuổi, Diegoaelurus là một trong những đại diện cuối cùng trong nhánh của chúng sau khi đã tách ra khỏi phân họ Machaeroidines.
“Mô tả Diegoaelurus là một thách thức vì không có loài vật nào giống với nó còn sống đến ngày nay”, Poust nói. “Tôi cố gắng bắt đầu với hình dung về loài mèo để đưa nó trở lại. Mặc dù có kích thước bằng một con linh miêu, nhưng Diegoaelurus không có đầu hình vòm - liên quan đến bộ não lớn – như mèo mà khuôn mặt sẽ dài hơn giống các động vật ăn thịt thế Eocen. Nhưng nhìn chung, Diegoaelurus có vẻ ngoài gần giống với cầy hương mặc dù thuộc một dòng dõi hoàn toàn khác so với loài thú hiện đại này”.
Ảnh phục dựng Diegoaelurus. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego. |
Bối cảnh sinh thái của loài thú cổ đại cũng cung cấp một số manh mối về hiện trạng thiên nhiên. Thế giới mà Diegoaelurus sinh tồn rất khác với thành phố San Diego hiện đại. Khu vực mà thành phố tọa lạc hồi đó chưa nằm sát biển, không có đồng cỏ và là một nơi tương đối ấm áp. Có thể Diegoaelurus từng cư trú giữa những tán rừng rậm rạp với cọ, bơ và dương xỉ cổ thụ.
Beth Townsend – nhà cổ sinh vật học của Đại học Midwestern lưu ý nếu một nhà du hành thời gian tới khu rừng này họ có thể tìm thấy những con ngựa, hươu, thỏ và một số động vật quen thuộc khác vẫn còn tồn tại trong ngày nay. “Tuy nhiên, thế Eocen sở hữu rất nhiều loài động vật có vú lạ lùng”.
Diegoaelurus là một phần của câu chuyện mà các nhà cổ sinh vật học mới bắt đầu nhận thức được, về thời kỳ mà nhiều loài động vật có vú tồn tại giống với những động vật mà chúng ta quen thuộc, cũng như những loài mà chúng ta chưa từng thấy đã tuyệt chủng. Tổ tiên của loài chó và mèo ngày nay chỉ bắt đầu tiến lên trong mắt xích thức ăn kể từ khi những loài có răng kiếm như Diegoaelurus - những kẻ săn mồi nổi bật trong thời đại của chúng – tuyệt chủng.