Hạt vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ có chiều dài dưới 5 mm. Những hạt này có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của cả con người và các loài động vật.
Trong những nghiên cứu trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng các loại động vật có vú sinh sống trên biển hấp thụ hạt vi nhựa thông qua miệng, đặc biệt là trong quá trình tiêu thụ thức ăn. Sau đó, các hạt nhựa siêu nhỏ sẽ di chuyển theo đường tiêu hóa đến các cơ quan khác. Tuy nhiên mới đây, ngày 16/10, một phát hiện mới chỉ ra hạt vi nhựa còn có thể thâm nhập vào động vật biển bằng đường hô hấp.
Đồng tác giả của bài nghiên cứu, bà Miranda Dziobak cho biết, ngay cả khi sống ở các vùng biển xa xôi, cách xa các khu đô thị có mật độ dân cư cao, loài cá heo vẫn hít phải các hạt vi nhựa. Theo một số báo cáo được công bố trong những năm gần đây, lượng hạt vi nhựa trong không khí đã được ghi nhận xuất hiện trên khắp thế giới, thậm chí ở Bắc Cực và các địa điểm xa xôi khác.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng những hạt nhựa siêu nhỏ này có thể sẽ làm suy giảm khả năng hô hấp của cá heo, khi chúng bám lên bề mặt thành phổi.
Bà Dziobak nhận định việc ô nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến các động vật biển “dường như là điều không thể tránh khỏi”. Với mức rác thải công nghiệp khổng lồ được thải ra môi trường hàng năm như hiện nay, mật độ các hạt vi nhựa ngấm vào biển cũng như trong không khí sẽ ngày một tăng lên.
Tác giả Merrill trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2023 phát hiện ra rằng, hơn một nửa số cá heo được lấy mẫu xét nghiệm có ít nhất một hạt vi nhựa bám trong mô của chúng.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ 11 con cá heo mũi chai hoang dã, trong đó có sáu con từ Vịnh Barataria ở bang Louisiana và năm con từ Vịnh Sarasota ở bang Florida. Nhóm nghiên cứu đã đưa đĩa petri vào trước mũi của loài động vật này để thu thập khí hơi được thở ra. Sau đó những đĩa này sẽ được soi dưới kính hiển vi nhằm ghi nhận số lượng vi nhựa dính trên bề mặt đĩa.
Bà Dziobak cho biết các loại hạt vi nhựa được tìm thấy ở cá heo là cùng một loại với hạt vi nhựa được phát hiện ở con người trong các nghiên cứu trước đây. Trong đó, phổ biến nhất là polyester, một loại nhựa thường được sử dụng trong quần áo.
Một số báo cáo cũng chỉ ra rằng các hạt vi nhựa trong đại dương bị lan rộng thông qua hoạt động của sóng biển. Do đó, có khả năng các loài động vật biển có vú với đặc tính thở trên bề mặt như cá heo cũng có thể hít phải các loại hạt này.
Cá heo mũi chai có tuổi thọ dài ít nhất 40 năm trong môi trường tự nhiên. Chúng thường sống tập trung thành đàn tại một khu vực biển nhất định. TS Dziobak cho rằng tập tính thường trú sẽ giúp ích cho các nghiên cứu về đảm bảo môi trường sống cho loài cá heo hoang dã này.
Bà cũng hy vọng nghiên cứu mới có thể nhanh chóng tìm hiểu rõ hơn về các loại nhựa mà cá heo hoang dã tiếp xúc cũng như các rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe của chúng.
Bên cạnh đó, nhà khoa học Merrill cho rằng con người có nhiều điểm chung về mặt sinh lý với loài cá heo. Ngoài ra, nhiều người có sở thích ăn các loại hải sản như tôm, mực, bạch tuộc, vốn cũng là những thức ăn chính của các loài động vật có vú ở biển. Vì vậy nghiên cứu này có ý nghĩa đáng kể đối với sức khỏe của con người.