Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa tìm được lối thoát khi giới chức hai nước khép lại hai ngày đàm phán mà không đạt được bước đi cụ thể nào hướng tới chấm dứt những màn "so găng" thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Mỹ-Trung trắng tay sau vòng đàm phán thương mại nhiều kỳ vọng. Ảnh: Istock |
Mặc dù đặt kỳ vọng thông qua đàm phán để trao đổi quan điểm về những biện pháp giúp đạt được sự công bằng, cân bằng cũng như có qua có lại trong mối quan hệ kinh tế, nhưng rốt cuộc Mỹ và Trung Quốc gần như “tay trắng ra về” khi không đạt được bất kỳ kết quả tích cực nào trong vòng đàm phán vốn rất được trông đợi lần này.
Bất chấp đàm phán thương mại diễn ra, Mỹ và Trung Quốc vừa tiếp tục áp dụng vòng đánh thuế mới lên số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD Mỹ của nhau, khiến việc tháo ngòi nổ căng thẳng thương mại giữa hai bên lại càng thêm bế tắc. Những diễn biến này có lẽ lại càng củng cố thêm cho nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian.
Điều này cũng không có gì khó hiểu khi Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được khiếu nại của Washington về tài sản trí tuệ Mỹ và trợ cấp công nghiệp. Mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi Bộ Thương mại Trung Quốc vừa thông báo nước này đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vòng áp thuế mới nhất của Mỹ.
Căng thẳng chưa dừng lại ở đó khi cả hai bên vẫn tiếp tục đe dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ các mặt hàng đang giao thương còn lại của nhau, gây lo ngại xung đột sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi, Mỹ cũng đang tổ chức điều trần về các mức thuế lên số lượng hàng nhập khẩu khác có trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc và Bắc Kinh gần như đã chắc chắn đáp trả hành động này. Trung Quốc có khả năng sẽ xem xét các biện pháp trả đũa phi thuế quan như phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu hay làm khó hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ ở nước này.
Hậu quả nhãn tiền khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau lên số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD được dự báo là những tác động trực tiếp lên ngành sản xuất robot tại Trung Quốc, do phía Mỹ áp thuế nhắm vào ngành công nghiệp lắp ráp.
“Chiến tranh thương mại sẽ có tác động lên ngành sản xuất robot, dẫn tới giảm sản lượng đầu ra của ngành này. Bởi vậy các nhà xuất khẩu sẽ rất lo ngại về việc gia tăng nhu cầu đặt hàng trong tương lai, bởi với tình hình này họ sẽ không dễ gì có thể mở rộng các nhà máy của mình. Đó là lý do tại sao ngành sản xuất robot được dự báo sẽ tăng trưởng rất chậm”, chuyên gia kinh tế Iris Pang nhận định.
Sản xuất robot, vốn là một trong 10 ngành công nghiệp được chính phủ Trung Quốc hết sức hỗ trợ như một phần của kế hoạch “Made in China 2025”, biến Trung Quốc thành cường quốc số 1 thế giới về công nghiệp. Chiến tranh thương mại với Mỹ được dự báo làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 từ 0,1 đến 0,3%.
Không chỉ Trung Quốc hay Mỹ trực tiếp bị ảnh hưởng, mà nền kinh tế toàn cầu cũng đang bị cuốn vào cuộc chạy đua thương mại chưa rõ hồi kết giữa hai “ông lớn” này. Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang có xu hướng trở thành chiến tranh thương mại toàn diện khi lôi kéo nhiều nước tham gia, mà minh chứng rõ nhất là nhiều đồng tiền tại khu vực châu Á đã mất giá so với đồng USD trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang./.