Vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung sẽ nối lại tại Washington vào ngày hôm nay (10/10), được kỳ vọng giúp giảm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới trong hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, hàng loạt động thái từ Mỹ trước thềm cuộc gặp mặt đã báo hiệu cho một vòng đàm phán không dễ dàng. Trước vòng đàm phán thứ 13 khoảng 2 tuần, cả Trung Quốc và Mỹ đã có các động thái tăng mua nông sản, hoãn tăng thuế hoặc miễn trừ thuế tăng thêm đối với hàng hóa của nhau. Điều này đã tạo không khí khá thoải mái và hòa hoãn cho vòng đàm phán mới giữa hai bên. Nhưng dường như tất cả những điều đó chỉ như một món quà mà phía Mỹ dành tặng cho Trung Quốc để giúp Bắc Kinh trấn an dư luận trước thềm kỷ niệm 70 năm Quốc khánh.
Ngay sau đó, khi hai bên vừa tuyên bố nối lại đàm phán cấp cao và phái đoàn Trung Quốc mới đặt chân đến Washington, Mỹ đã liên tiếp đưa ra các quyết định mang tính phủ đầu, đồng thời cũng phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán. Không chỉ đưa các thực thể của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, Mỹ còn thông báo sẽ hạn chế cấp thị thực cho một số quan chức Trung Quốc, do có liên quan đến các cáo buộc về nhân quyền ở Tân Cương, vấn đề mà Trung Quốc cho rằng là công việc nội bộ của nước này và Washington không có quyền can thiệp.
Trước những động thái của Mỹ, một cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã phát biểu rằng, không ai làm những việc như vậy trước đàm phán. Về mặt chiến lược, tất cả những hành động này sẽ khiến Trung Quốc đặt câu hỏi: "Động cơ thực sự của Mỹ ở đây là gì?"
Trên thực tế, dư luận Trung Quốc cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận trong vòng đàm phán lần này. Bình luận trên các báo của Trung Quốc cho rằng, còn nhiều khác biệt về thương mại giữa hai nước. Thái độ của Mỹ thiếu chân thành, lĩnh vực xung đột giữa hai bên đang trở nên nhiều hơn và sự mất niềm tin chiến lược lẫn nhau đang gia tăng.
Không chỉ vậy, theo hé lộ của truyền thông hai nước, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn thể hiện quan điểm khác biệt về những vấn đề gây ra sự đổ vỡ vòng đàm phán hồi tháng 5. Thời điểm đó, Mỹ đổ lỗi Trung Quốc không tuân thủ lời hứa, trong khi Bắc Kinh tố cáo Washington tìm cách xâm phạm chủ quyền kinh tế của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, những hành động vừa qua của chính quyền Tổng thống Trump có thể nhằm mục đích giành một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Bắc Kinh, nhưng dư luận Trung Quốc lại cho rằng, họ đã quen với việc vừa đánh vừa đàm với Mỹ, và cách mà Mỹ gây sức ép tối đa trước đàm phán sẽ không ảnh hưởng đến trọng tâm và ý chí của Trung Quốc trong đàm phán. Rõ ràng, những gì đang diễn ra đã không tạo ra điều kiện thuận lợi cho đàm phán như Trung Quốc mong muốn. Không chỉ Trung Quốc, mà cộng đồng quốc tế cũng không đặt nhiều hy vọng vào vòng đàm phán lần này.