Từ Bali đến Đà Nẵng: Hành trình của nỗ lực
Trong một lần chia sẻ với báo chí ngay sau khi kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhắc đến cảm xúc của riêng ông và cũng là cảm xúc chung của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 ở Bali (Indonesia) năm 2013 khi các nền kinh tế thành viên nhất trí ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2017. “Là một thành viên trẻ nhất diễn đàn, chúng ta vô cùng tự hào khi được lần thứ hai đảm nhiệm trọng trách này. Đó là sự tin cậy của bạn bè và đối tác dành cho chúng ta, đó là minh chứng rõ ràng về uy tín, vị thế quốc tế của chúng ta” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
ASEAN - Trung Quốc chính thức khởi động đàm phán COC
Trong năm 2017, Việt Nam và Lào đã hoàn thành kế hoạch tăng dày và tôn tạo mốc giới; cùng Campuchia hoàn thành 84,6% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ; cùng Trung Quốc và Lào triển khai hiệu quả các văn kiện về quản lý biên giới và cửa khẩu.
Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN và Trung Quốc chủ động thúc đẩy và nhất trí thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) và chính thức khởi động đàm phán COC. Ta thúc đẩy đàm phán và trao đổi về các vấn đề trên biển với các nước trong khu vực, đồng thời kiên quyết và kiên trì đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta.
Nhưng, cùng với niềm tự hào ấy, không nói ai cũng biết chúng ta cũng còn không ít lo lắng: Lo để làm sao tổ chức năm APEC thật thành công và qua đó, thể hiện đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam đối với quan tâm của khu vực, và tạo ra những dấu ấn Việt Nam qua sự kiện này.
Ba năm - một quãng thời gian không nhiều cho khâu chuẩn bị một sự kiện đa phương và chỉ có nỗ lực của những người làm đối ngoại mới đem lại một năm APEC nhiều cảm xúc cho cả bè bạn và chủ nhà.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị cho đến khi kết thúc Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng, không phải không có những lúc tưởng chừng thiên nhiên không chịu chiều lòng người. Ngay trước ngày khai mạc Tuần lễ Cấp cao chỉ ít hôm, bão Damrey đổ bộ vào miền Trung khiến cho nhiều cơ sở vật chất mất bao công chuẩn bị không còn nguyên vẹn. “Rồi thì lũ lên ở Hội An, nơi dự kiến Phu nhân Chủ tịch nước sẽ chủ trì dẫn Đoàn các Phu nhân của các nhà Lãnh đạo APEC và các Trưởng Đoàn APEC tới tham quan. Tại thời điểm đó mối lo hàng đầu của chúng tôi là làm sao khắc phục kịp thời để bảo đảm về mặt lễ tân, tổ chức, đảm bảo vệ sinh...” - ông Sơn kể lại nỗi lo của ông cũng là nỗi lo chung của các nhà tổ chức Năm APEC 2017.
Điều đáng nói là trong bộn bề hậu quả bão lũ nỗi lo mà ai cũng nhìn thấy chỉ là không nói thành lời: Nền kinh tế chủ nhà sẽ làm gì và làm như thế nào để tổ chức APEC thành công? Những hoạt động diễn ra ngoài trời như các chuyến thăm viếng; lễ khánh thành Công viên APEC và buổi chụp ảnh chung của lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ ra sao?
Tuy nhiên, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau một đêm và một ngày, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, Quảng Nam đã khắc phục hầu hết những hậu quả của bão và lũ lụt gây ra, đảm bảo các hoạt động của các nhà lãnh đạo cũng như phu nhân/phu quân diễn ra như trong kế hoạch và thành công tốt đẹp. Về điều này, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng: “Có thể nói việc này cũng để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam tươi đẹp, năng động, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách”.
Giới thiệu chính sách, chia sẻ cách làm
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khi nói về APEC đã nhận định: Chúng tôi nhìn nhận APEC là một diễn đàn khu vực có năng lực đã được kiểm định qua rất nhiều thách thức, từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho đến những quan điểm chống toàn cầu hóa. Và với Thái Lan, “APEC vẫn là diễn đàn lớn để khám phá các vấn đề kinh tế mới, giới thiệu các chính sách, chia sẻ những cách làm tốt nhất giúp các nền kinh tế thành viên có được các kỹ năng và tiêu chuẩn tốt hơn, tạo môi trường kinh tế thuận lợi dựa trên chủ nghĩa đa phương, cải thiện chất lượng cuộc sống cho mọi công dân trong khu vực”, ông Prayut Chan-o-cha nói.
Nhận xét về chủ đề và những ưu tiên của Năm APEC 2017, Thủ tướng Thái Lan cho rằng, nó bám sát với tình hình kinh tế thế giới đang thay đổi, đồng thời phản ánh tính liên tục của công việc mà chính Thái Lan đã thực hiện trong những năm trước. “Chúng tôi vui mừng nhận thấy triển vọng hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và hoan nghênh các sáng kiến quan trọng khác liên quan đến các vấn đề phát triển nguồn nhân lực, an ninh lương thực, kết nối và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs)”, ông Prayut Chan-o-cha nói. Điều mà Thủ tướng Thái Lan nói cũng chứng tỏ ưu tiên mà nền kinh tế chủ nhà đưa ra không chỉ đúng mà còn trúng với suy nghĩ của nhiều lãnh đạo nền kinh tế trong APEC.
Đàm phán đến phút cuối
Để có một Năm APEC thành công như mong đợi, thì không chỉ có sự hoàn hảo trong công tác lễ tân - hậu cần hay an ninh mà nội dung chính là khâu rất quan trọng, quyết định thành công của cả một năm nỗ lực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chụp ảnh chung với các nhà Lãnh đạo APEC và Phu nhân |
Nói về chuẩn bị nội dung trong Tuần lễ Cấp cao, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ: Có thể nói, chưa bao giờ công tác văn kiện của APEC lại khó khăn như năm nay. Theo thông lệ, đến ngày họp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế, tức ngày 8/11/2017, các thành viên đã phải thống nhất các văn kiện của Hội nghị Bộ trưởng cũng như Hội nghị Cấp cao để báo cáo các nhà Lãnh đạo thông qua. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta đã dự liệu và cho triển khai việc thảo luận, đàm phán văn kiện sớm hơn ngày bắt đầu Tuần lễ Cấp cao (từ ngày 5/11/2017), song đến hết ngày họp Hội nghị Bộ trưởng văn kiện vẫn chưa được nhất trí.
“Có những lúc đàm phán đi vào bế tắc, đổ vỡ cận kề. Với ý chí bản lĩnh đối ngoại đa phương dày dặn và chủ trương về đàm phán văn kiện đã được các lãnh đạo cấp cao ta duyệt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao ta đã quyết định kết thúc Hội nghị và giao các Quan chức cao cấp tiếp tục đàm phán văn kiện. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong APEC. Đến đúng 11h30 đêm ngày 10/11/2017, các thành viên mới nhất trí được văn kiện, tức là chỉ còn chưa đầy 10 tiếng là đến giờ khai mạc Hội nghị Cấp cao APEC.
Có thể nói là cảm xúc vỡ òa”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn kể lại giây phút “nghẹt thở’ trong đàm phán tại APEC đã đem đến cho ông và các đồng nghiệp nhiều kỷ niệm khó quên. Tiếp đó là cảm xúc hạnh phúc và tự hào khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên bố Hội nghị thông qua Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Như vậy, sau 243 hoạt động trong suốt Năm APEC với 8 Hội nghị và Đối thoại cấp Bộ trưởng, 6 ngày 5 đêm ròng rã đàm phán, chúng ta cũng đạt được thành công. Hơn cả mong đợi là việc các thành viên đã thông qua Tuyên bố Cấp cao, Tuyên bố Hội nghị Bộ trưởng và 6 văn kiện quan trọng. Đây đều là những văn bản định hướng dài hạn cho hợp tác APEC trong tương lai.
Tiếp “2 khách quý” trong một ngày
Theo quan sát của giới chuyên gia, chưa bao giờ trong lịch sử đối ngoại Việt Nam có việc tiếp 2 cường quốc trong cùng một ngày. Đó là lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong sáng ngày 12/11/2017. Phát biểu tại buổi họp báo sau hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: "Chúng ta đã đạt được quan hệ song phương, tôn trọng quan hệ thương mại bình đẳng, có đi có lại. Quan hệ bình đẳng chưa xảy ra với nước Mỹ trước đây. Chúng ta phải hành động mạnh mẽ để thay đổi điều này".
Buổi chiều 12/11/2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Tại hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung thời gian qua; tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên; giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước được đẩy mạnh; hai bên tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch đều có tiến triển; tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định…
Điều đáng nói, chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào đầu nhiệm kỳ của hai nguyên thủ quốc gia này.