Theo nhận định tình hình dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, do thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, các hộ chăn nuôi còn có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm còn nhiều khó khăn nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, tái phát ổ dịch.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, phát hiện, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và phát triển chăn nuôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp phòng ngừa từ bên ngoài, thông qua công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm.
Ngành thú y tổ chức tốt việc lấy mẫu, giám sát, chủ động phát hiện sớm mầm bệnh; đồng thời làm tốt việc giám sát cộng đồng để khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường người dân chủ động báo ngay cho trưởng thôn, cán bộ thú y để xử lý kịp thời.
Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, an toàn, đảm bảo môi trường và quản lý chất lượng theo chuỗi có giá trị gia tăng cao, bền vững...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại huyện Vụ Bản và huyện Trực Ninh. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới gần 9.200 con, chủ yếu là vịt.
Cùng ngày, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học và lãnh đạo của các tỉnh phía Bắc đã dự hội nghị phối hợp triển khai công tác phòng, chống cúm gia cầm, cúm A/H7N9 tại Hà Nội với các tỉnh thành phía Bắc.
Hội nghị nhằm tăng cường công tác kiểm soát động vật, sản phẩm động vật được lưu thông, tiêu thụ từ Hà Nội tới các tỉnh và ngược lại.
Hội nghị cũng là cơ hội để các địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý trong công tác chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, hội nghị còn là cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hội nghị nhằm tăng cường sự trao đổi giữa các tỉnh thành phố với Hà Nội về các chính sách quản lý phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý giết mổ, vận chuyển kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.
Đặc biệt là các chính sách khuyến khích các cơ sở giết mổ tập trung, kinh nghiệm quản lý, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch. Bên cạnh đó, còn khuyến khích và kết nối, thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các tỉnh, thành theo quy mô vùng, liên kết giữa các tỉnh thành phố cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và ngược lại.
Nam Định công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn
(Ngày Nay) - Ngày 31/3, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, Ninh Văn Hiểu cho biết, hiện tất cả các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh đã qua 21 ngày, không phát sinh gia cầm ốm, chết do bệnh cúm gia cầm nên Nam Định đã công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N1.
Ảnh minh họa. |
Theo TTXVN