Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 tiếp tục xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới trên 9.100 con (trong đó, 8.930 con vịt, 240 con gà).
Các cơ sở Y tế ở Nam Định đã lập danh sách 70 người đã tiếp xúc với gia cầm ốm, chết ở các ổ dịch A/H5N1 để theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định.
Hiện tại Nam Định chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm cúm liên quan đến gia cầm. Tuy nhiên, Sở Y tế đã gửi công văn tới các địa phương, đơn vị, phòng y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng.
Các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết được lưu ý để báo cho Trung tâm y tế huyện, thành phố, Trung tâm y tế dự phòng lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch bệnh.
Hiện, Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày. Địa phương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch.
Ở 2 ổ dịch tại thôn Ngăm Hạ, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản đã qua 21 ngày, trên địa bàn xã không phát sinh thêm các trường hợp gia cầm ốm chết do cúm gia cầm nên địa phương đã công bố hết dịch.
Ngày 17/2, UBND huyện Trực Ninh đã công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Trực Nội. Sau 21 ngày trên địa bàn xã cũng không phát sinh thêm trường hợp gia cầm ốm, chết do nhiễm bệnh.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho hay virus cúm A/H5N1 khi lây nhiễm trên các đàn gia cầm thường gây hiện tượng chết gia cầm hàng loạt nên dễ phát hiện các ổ dịch. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát gần đây, trên các đàn ngan, vịt có hiện tượng nhiễm virus cúm A/H5N1 nhưng không có biểu hiện bệnh. Bệnh do cúm A/H5N1 trên người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể tới 50%.
Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay đã khống chế thành công cúm A/H5N1, trong 2 năm qua không ghi nhận trường hợp mắc mới ở người.
Tuy nhiên, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người, xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.