Chương trình phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo “thai nghén” suốt 7 năm, với sự đầu tư lớn về tài chính và nhân lực. Theo đó, giáo dục sẽ có sự chuyển hướng cả về mục đích, nội dung, phương thức giảng dạy, từ lối dạy truyền thụ tri thức một chiều sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nội dung giảng dạy theo hướng thiết thực với đời sống và gạt bỏ các vấn đề hàn lâm còn nặng trong chương trình hiện hành.
Ưu tiên mọi mặt cho lớp 1
Phát biểu chỉ đạo về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Năm học 2020-2021, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là phải thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1”.
Trong công văn gửi các địa phương về công tác chuẩn bị năm học mới, ông Nhạ cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ưu tiên cho lớp một trong việc đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên, bố trí đủ số phòng học, trang thiết bị cơ sở vật chất. So với các năm học trước, số lượng giáo viên lớp 1 năm nay tăng lên do có thêm các môn học tự chọn như Tin học, Tiếng Anh...
Theo yêu cầu của chương trình mới, sỹ số học sinh lớp 1 cũng sẽ giảm ở mức 35 học sinh/lớp. Trước thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương do số lượng học sinh đông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: “Tinh thần là dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1”. Bộ trưởng đồng thời đề xuất địa phương xây dựng đề án dài hơi, ít nhất 5 năm, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục. Từ đó, đầu tư xây dựng trường lớp, dồn ghép, sáp nhập đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi sách giáo khoa mới, bồi dưỡng tri thức, phương pháp giáo dục mới cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mọi khâu chuẩn bị cho dạy lớp 1 theo chương trình mới đã sẵn sàng. Có 5 bộ sách giáo khoa lớp một mới đã được hội đồng thẩm định kết luận đạt chất lượng, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua. Các địa phương, giáo viên được trao quyền lựa chọn và đã tổ chức chọn sách công tâm, khách quan, phù hợp với đặc thù trường, lớp của mình. Tất cả các giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 đã được tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới, tập huấn sách giáo khoa mới. Các địa phương cũng đã bổ sung về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất để chuẩn bị dạy và học chương trình mới.
Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các nhà trường, các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng. Theo đó, căn cứ lộ trình đổi mới và rà soát thực tế đội ngũ, ông Nhạ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ổn định trong 5 năm để báo cáo, tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện. Theo ông Nhạ, việc có một đề án dài hơn sẽ giúp địa phương tính toán và giải quyết được căn cơ, khoa học việc thiếu thừa giáo viên, khắc phục tình trạng “ăn đong” như trước đây.
Giảm tải chương trình bậc trung học
Với các bậc học cao hơn là trung học cơ sở và trung học phổ thông, trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung giảng dạy theo hướng giảm tải chương trình.
Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. “Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn: Không dạy; đọc thêm; không làm; không thực hiện; không yêu cầu; khuyến khích học sinh tự đọc; khuyến khích học sinh tự làm; khuyến khích học sinh tự thực hiện”, công văn nhấn mạnh.
Đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5842 (năm 2011) về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Đối với các môn học theo chương trình nâng cao ở cấp trung học phổ thông và các lớp học theo mô hình trường học mới, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp.
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc điều chỉnh nội dung dạy học này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.