Nam Phi bất ngờ ra thông báo mới về đồng tiền BRICS

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy những quốc gia thành viên BRICS thảo luận nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong thương mại, nhưng không chắc khối các thị trường mới nổi này sẽ phát triển một đồng tiền chung.
Nam Phi bất ngờ ra thông báo mới về đồng tiền BRICS

Loại tiền tệ mới của BRICS sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh của khối tại Nam Phi vào tháng 8 tới, trong khi các nước thành viên sẽ tiếp tục sử dụng đồng đô la Mỹ (USD) liên quan đến giao dịch thương mại, hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Nam Phi mới đây cho biết.

Anil Sooklal, Đại sứ lưu động của Nam Phi về châu Á và BRICS, nói trong một cuộc họp báo: “Chưa có cuộc thảo luận nào về một loại tiền tệ chung mới của BRICS, nó không có trong chương trình nghị sự. Những gì chúng tôi đã nói và chúng tôi tiếp tục trao đổi là giao dịch bằng đồng nội tệ và thanh toán bằng đồng nội tệ".

Tuy nhiên, Đại sứ Sooklal thừa nhận: "BRICS đã trải qua một quá trình được thúc đẩy do xung đột, các biện pháp trừng phạt đơn phương. Thời của một thế giới lấy đồng đô la Mỹ làm trung tâm đã qua, đó là một thực tế. Ngày nay chúng ta có một hệ thống thương mại toàn cầu đa cực".

Theo ông Sooklal, quá trình giới thiệu một loại tiền tệ chung sẽ đòi hỏi sự đầu tư và thương mại lẫn nhau mạnh mẽ hơn trong BRICS. Do đó, Đại sứ Sooklal nêu rõ các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) vào tháng 8 tới sẽ thảo luận về việc tăng cường tương tác trong giao dịch bằng đồng nội tệ vì “các quốc gia muốn có sự linh hoạt cao hơn và ít phụ thuộc hơn vào đồng USD”.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nằm trong số các nhà lãnh đạo BRICS đã đưa ra ý tưởng về một đồng tiền chung khi khối này nhằm thách thức sự thống trị của phương Tây đối với tài chính toàn cầu trong bối cảnh Moskva bị áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine vào năm ngoái.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã thúc đẩy các quốc gia tìm giải pháp thay thế cho đồng USD, đặc biệt là giữa các nước không phải là đồng minh của Mỹ. Mặc dù Brazil, Nga, Trung Quốc ủng hộ việc cho ra đời một loại tiền tệ chung của BRICS, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ hồi đầu tháng này cho biết lĩnh vực tiền tệ sẽ vẫn là "vấn đề quốc gia trong một thời gian dài sắp tới", trong khi Thống đốc ngân hàng Trung ương Nam Phi chỉ ra rằng một đồng tiền chung của BRICS cần có liên minh ngân hàng, liên minh tài chính và hội tụ kinh tế vĩ mô.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra tại thành phố Johannesburg của Nam Phi từ ngày 22 đến ngày 24/8 tới. Nga sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của BRICS vào năm 2024.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?