Hơn 50 kỷ lục được thiết lập vào ngày 2/10 khi đợt nắng nóng bất thường vào tháng 10 tiếp tục hoành hành trên khắp miền Tây nước Mỹ.
Theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS), tại thành phố Phoenix, nhiệt độ lên tới 42,2 độ C, phá vỡ kỷ lục 41,7 độ C vào năm 1980. Tại thành phố Yuma, bang ghi nhận 44,4 độ C, ngang bằng với kỷ lục năm 1980. Tại California, nhiệt độ cũng đạt ngưỡng cao kỷ lục, trong đó thành phố San Jose ghi nhận mức nhiệt 41,1 độ C, vượt xa kỷ lục 35,6 độ C năm 1980 và 2012; thành phố Napa đạt ngưỡng 39,4 độ C, vượt qua 38,9 độ C năm 1980.
Khoảng 29 triệu người phải sống trong tình trạng báo động nhiệt vào ngày 3/10, trong đó cảnh báo nắng nóng quá mức được ban hành tại các bang California, Arizona và Nevada.
Dự kiến nhiều kỷ lục khác sẽ tiếp tục bị phá vỡ từ bang Arizona đến bang Colorado vì nhiệt độ cực đoan kéo dài.
Tình trạng nắng nóng nghiêm trọng sẽ tiếp tục tồi tệ hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi Trái Đất ấm lên, các đợt nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, khắc nghiệt và kéo dài hơn.
Theo NWS, nắng nóng được dự đoán vẫn sẽ tiếp diễn tại California và có thể lên tới 44,4 độ C tại phía Đông và Tây thung lũng San Fernando, phía Đông thung lũng Santa Clarita. Một số khu vực ở San Francisco cũng có thể đạt mức nhiệt lên tới 38,9 độ C.
NWS cũng cảnh báo người dân ở bang Arizona về rủi ro nhiệt nghiêm trọng, nhiệt độ có thể lên tới 46 độ C tại một số khu vực của bang.
Trong khi đó, ở bờ biển phía Đông, nhiệt độ tăng lên khoảng 32 độ C tại một số khu vực ở bang Florida, nơi vừa bị tàn phá bởi cơn bão Helene, bao gồm các thành phố Tampa, Fort Myers và St. Petersburg.