Ngày 12/2/2019, NASA bắt liên lạc lần cuối với Opportunity nhưng vẫn không có phản hồi, và đó là thời khắc cuối cùng của nhiệm vụ gắn liền với chú robot tự hành (rover) sống lâu nhất của con người trên hành tinh khác.
Xe thám hiểm Opportunity trên bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: AP). |
NASA mới đây đã công bố bức hình cuối cùng Opportunity gửi về trước khi "nhắm mắt xuôi tay". Bức ảnh toàn cảnh 360 độ này được chụp vào tháng 5, nằm trong loạt 354 tấm ảnh chụp riêng lẻ được gửi về NASA trong 29 ngày sống sót cuối cùng của Opportunity trên sao Hỏa.
Trong khi hầu hết trong số chúng đều mang tới những khung cảnh đầy màu sắc, những tấm ảnh cuối cùng được gửi về chuyển đen, trắng ở phần góc do cạn kiệt năng lượng.
"Bức ảnh toàn cảnh cuối cùng này là hiện thân cho sứ mệnh khám phá và nghiên cứu của Opportunity", John Callas, quản lý dự án Xe thám hiểm sao Hỏa cho biết.
Hình ảnh cuối cùng mà robot Opportunity chụp lại. (Ảnh: NASA) |
"Ở bên phải bức ảnh, bạn có thể nhìn thấy vành miệng núi lửa Endeavour mọc lên từ xa. Ở xa là đáy của Thung lũng Perseverance và miệng núi lửa Endeavour vốn rất hoang sơ, chưa được khám phá và đang chờ đợi các nhà thám hiểm trong tương lai tới thăm", ông này nói thêm.
Ông Callas cũng hy vọng một ngày nào đó trong tương lai, các nhà thám hiểm sẽ đặt chân tới sao Hỏa, tìm thấy Opportunity trên đó và đưa nó hoạt động trở lại.
Nhưng cho tới trước lúc đó, các tấm hình Opportunity để lại vẫn là những hình ảnh quý giá đóng vai trò như lăng kính giúp chúng ta quan sát hành tinh chưa thể đặt chân tới là sao Hỏa.
Vào hôm 13/2, NASA tuyên bố nhiệm vụ khám phá sao Hỏa của xe thám hiểm Opportunity chính thức kết thúc, Guardian đưa tin. Chiếc xe đã gặp một cơn bão bụi khổng lồ và không truyền tín hiệu về Trái Đất suốt 8 tháng. Các chuyên gia nhiều lần tìm cách liên lạc lại với nó, lần gần nhất vào hôm 12/2, nhưng không nhận được phản hồi.
"Tôi đứng đây, với sự tôn trọng và biết ơn sâu sắc, tuyên bố sứ mệnh Opportunity đã hoàn thành", chuyên gia Thomas Zurbuchen phát biểu trong buổi họp báo của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA. Ông cũng cho biết, tàu thám hiểm giúp thay đổi hiểu biết của con người về Trái Đất, sao Hỏa và mang lại nhiều bước tiến trong khoa học.
Opportunity đáp xuống sao Hỏa tháng 1/2004, không lâu sau khi "người anh em" Spirit hạ cánh. Bộ đôi này nằm trong chương trình Xe thám hiểm sao Hỏa của NASA. Tuy nhiên, Spirit bị kẹt trong đất mềm vào năm 2009 và được xác định là ngừng hoạt động năm 2011.
Opportunity tiếp tục sinh tồn trên bề mặt hành tinh đỏ và truyền dữ liệu về Trái Đất, giống như một "nhà địa chất" làm việc từ xa. Chiếc xe được thiết kế để hoạt động trong 90 ngày với quãng đường di chuyển khoảng một km. Tuy nhiên, nó đã chạy hơn 45km và làm việc suốt 15 năm.
"Trước đây chúng tôi cho rằng bụi trong không khí sẽ tích tụ dần trên các tấm quang năng, cuối cùng làm mất năng lượng. Chúng tôi không ngờ gió sẽ tới định kỳ và thổi bay bụi bám trên đó. Điều này giúp chiếc xe vượt qua mùa đông đầu tiên cũng như mọi mùa đông khác trên hành tinh đỏ", John Callas, quản lý dự án Xe thám hiểm sao Hỏa, giải thích.
Xe Opportunity (chấm xanh) trong bão bụi sao Hỏa ngày 6/6/2018. (Ảnh: NASA). |
Cuối cùng, Opportunity không thể chống chọi được với cơn bão bụi lịch sử trên hành tinh đỏ, nhà khoa học Abigail Fraeman cho biết. Cơn bão che phủ bầu trời đến mức chiếc xe không thể nhìn thấy Mặt Trời và các tấm quang năng không thể nạp lại năng lượng.
Opportunity phát hiện những khối đá đặc biệt hình cầu chứa nhiều sắt, tìm ra dấu hiệu của nước và lần đầu tiên phát hiện mảnh thiên thạch trên một hành tinh khác Trái Đất. Chiếc xe gửi về nhiều hình ảnh ấn tượng như cơn lốc cát quét qua bề mặt hành tinh đỏ hay những bức ảnh toàn cảnh cho thấy khung cảnh ngoạn mục với các miệng núi lửa. Nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều người theo đuổi khoa học và tạo điều kiện để phát triển những nhiệm vụ mới.
Sự kết thúc của sứ mệnh Opportunity mang đến rất nhiều cảm xúc, theo giáo sư Andrew Coates, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ Mullard thuộc Đại học London. "Chúng tôi ca ngợi những thành tựu chiếc xe đạt được trong hành trình khám phá sao Hỏa, nhưng cũng đau lòng khi mất đi một người bạn cũ", ông chia sẻ.
Ban đầu, Opportunity được thiết lập để hoạt động trong 90 ngày với quãng đường di chuyển dự kiến khoảng 1.000 m. Tuy nhiên, nó vượt qua mọi kỳ vọng, hoạt động vượt quá kế hoạch 14 năm, 51 ngày cho tới khi ngừng hoạt động vào ngày 12/6 sau trận bão bụi.
"Trong hơn một thập kỷ, Opportunity là biểu tượng trong lĩnh vực thám hiểm hành tinh, cho chúng ta thấy sao Hỏa trong quá khứ có thể là một hành tinh ẩm ướt và cung cấp những cái nhìn chưa từng có về hành tinh Đỏ", Thomas Zurbuchen, Phó giám đốc ban Sứ mệnh khoa học của NASA cho biết.