NASA: Trung Quốc và Ấn Độ đang giúp Trái đất xanh hơn

(Ngày Nay) - Trái đất đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng hành tinh của chúng ta cũng ngày càng xanh hơn, theo nghiên cứu mới, sự gia tăng phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Độ phủ xanh của Trái đất do NASA công bố. Ảnh: CNN
Độ phủ xanh của Trái đất do NASA công bố. Ảnh: CNN

Một nghiên cứu của NASA, dựa trên hình ảnh vệ tinh đã được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, tiết lộ rằng hai quốc gia có dân số lớn nhất thế giới lại đang đóng góp cho thảm thực vật xanh của thế giới.

Kể từ thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ mới, diện tích phủ xanh của Trái đất đã tăng thêm 5%. Con số tương đương với tổng số các khu rừng nhiệt đới khu vực Amazon, NASA cho biết. Nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng các cây xanh mới không giúp vô hiệu hóa nạn phá rừng và tác động tiêu cực của nó đến các hệ sinh thái ở nơi khác.

Các dự án trồng cây cùng với sự gia tăng lớn trong nông nghiệp của hai nước châu Á này đã chiếm 1/3 diện tích phủ xanh hành tinh.

"Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 1/3 diện tích phủ xanh, nhưng chỉ chứa 9% diện tích đất của hành tinh được bao phủ trong thảm thực vật - một phát hiện đáng ngạc nhiên, cho thấy đất ở các quốc gia đông dân này đang chịu sự suy thoái từ việc khai thác quá mức", Chi Chen - nhà nghiên cứu tại Đại học Boston, cho biết trong một tuyên bố.

Từ năm 2000 đến 2017, Máy đo quang phổ với hình ảnh có độ phân giải vừa phải (MODIS) của NASA đã thu thập dữ liệu với độ phân giải cao của bề mặt Trái đất từ trên hai vệ tinh, Terra và Aqua.

Sử dụng dữ liệu MODIS, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Trung Quốc chiếm 1/4 sự gia tăng diện tích lá xanh, mặc dù chỉ sở hữu 6,6% diện tích thảm thực vật của thế giới. Rừng chiếm 42% mức tăng đó, trong khi đất trồng trọt chiếm thêm 32%.

Sự gia tăng diện tích rừng của Trung Quốc là kết quả của các chương trình bảo tồn và mở rộng rừng, được thành lập để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và xói mòn đất.

Ấn Độ đã đóng góp thêm 6,8% diện tích phủ xanh, với 82% từ đất trồng trọt và 4,4% từ rừng.

Cả hai quốc gia đã cải thiện đáng kể khả năng sản xuất lương thực, nhờ "nhiều biện pháp canh tác", trong đó các cánh đồng được tái gieo trồng và thu hoạch nhiều lần mỗi năm. "Sản xuất ngũ cốc, rau, trái cây và nhiều nông sản khác đã tăng khoảng 35-40% kể từ năm 2000 để đáp ứng được nguồn dân số lớn của hai nước", NASA cho biết.

Rama Nemani, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, cho biết trong một tuyên bố: "Lần đầu tiên khi quan sát, chúng tôi nghĩ rằng điều này là do khí hậu ấm hơn, ẩm ướt hơn và mức độ gia tăng khí carbon dioxide trong khí quyển, dẫn đến sự phát triển của lá ở các khu rừng phía bắc".

"Bây giờ, dữ liệu MODIS đã cho phép chúng tôi hiểu rằng con người cũng đang đóng góp vào quá trình phủ xanh Trái đất. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra dự đoán tốt hơn về Trái đất, các quốc gia sẽ có thể đưa ra quyết định tốt hơn về cách thức và thời điểm hành động", nhà nghiên cứu Nermani nói.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng hiện tượng này không bù đắp cho các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái môi trường ở những nơi khác. "Độ phủ xanh lớn, chủ yếu xảy ra ở vùng ôn đới và vĩ độ phía bắc, không bù đắp được thiệt hại do sự xóa sổ diện tích phủ xanh trong thảm thực vật tự nhiên nhiệt đới", các tác giả nghiên cứu cho biết, trích dẫn các khu vực tiêu biểu như Cộng hòa Dân chủ Congo, Brazil và Indonesia.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn lạc quan về kết quả nghiên cứu. "Một khi mọi người nhận ra vấn đề, họ có xu hướng cải thiện. Trong thập niên 70 và 80 ở Ấn Độ và Trung Quốc, tình hình rất tồi tệ. Vào thập niên 90, mọi người đã nhận ra điều đó. Và ngày nay mọi thứ đã được cải thiện. Con người rất kiên cường. Đó là những gì chúng ta thấy qua dữ liệu từ vệ tinh".

Thomas Pugh - Phó Giáo sư tại Đại học Birmingham, cho biết báo cáo của NASA giúp mở rộng sự hiểu biết của các nhà khoa học về nguyên nhân đằng sau việc phủ xanh toàn cầu. Trước đây, sự gia tăng thảm thực vật trong hai thập kỷ qua được cho là do mức độ CO2 trong khí quyển cao hơn.

Xanh hóa toàn cầu là một "dấu hiệu hữu hình về cách sinh quyển phản ứng với các hoạt động của con người, cho dù thông qua biến đổi khí hậu hay cách chúng ta sử dụng đất. Nó thường ngụ ý sự gia tăng độ che phủ của thảm thực vật hoặc năng suất của thảm thực vật đó, hoặc cả hai, mặc dù các mối quan hệ này đều không rõ ràng và nhất quán trên toàn cầu", ông Pugh nói.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.