Nhóm nghiên cứu giáo sư Zhang Yongzhen thuộc Trung Tâm lâm sàng y tế công cộng, Đại học Fudan (Trung Quốc) và Giáo sư Edward Holmes, Đại học Sydney (Australia) trong nghiên cứu mới đây đã chỉ ra những bằng chứng chứng minh nCoV có thể đã lây truyền "ngầm" trong môi trường trong một thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Research ngày 1/4.
Nhóm nghiên cứu tiến hành truy xuất nguồn gốc của nCoV, được cho là tìm thấy ở loài dơi tỉnh Vân Nam, cách Vũ Hán 1.500 km, nCoV và virus corona trong dơi có sự tương đồng trong trình tự gene đến 96-97%. Nghiên cứu chỉ ra, để đạt được sự tương đồng trong trình tự gene, nCoV có khả năng đã phát triển từ 20 năm trước, sau đó tiến hóa để đạt được một số đột biến.
nCoV chụp trong phòng thí nghiệm. - Ảnh: Nippon. |
Để nCoV có sự tiến hóa với khả năng thích nghi mạnh ở cơ thể người, cần phải có đột biến tại các vị trí của vùng liên kết với thụ thể (RBD) và đột biến chèn tại vị trí phân cắt protease Furin duy nhất của nCoV. Các tác giả suy đoán rằng virus này có thể đã lây lan trong một khoảng thời gian trước khi nó nhanh chóng bùng phát và thích nghi tốt ở vật chủ loài người.
Trong quá trình lây truyền âm thầm từ trước, khi sang người, virus có thể không được tìm thấy do hiện tượng lây nhiễm không triệu chứng (hoặc chỉ có triệu chứng hô hấp nhẹ nhưng không bị viêm phổi). Khi lây truyền người sang người, nCOV dần phát triển và tiến hóa các đột biến quan trọng ở vị trí phân cắt protease để hoàn toàn thích nghi trong cơ thể con người.
Để xác minh tính chính xác của những suy đoán trên, nhóm nghiên cứu tìm đến các mẫu bệnh có triệu chứng mắc Covid-19 trước tháng 12 năm 2019, làm sáng tỏ khả năng tiến hóa và cách thức lan truyền của nCoV.Tiến hành nghiên cứu huyết thanh học hoặc di truyền học, kết quả cho thấy, mẫu bệnh được cho là nhiễm nCoV sau này, trong khoảng một tháng trước đó không hề có bất cứ triệu chứng điển hình nào.
Với sự bùng phát của Covid-19, hơn 200 bộ gene của nCoV đã được giải trình tự. Mặc dù cho rằng nCoV đã phát triển từ 20 năm trước, nhưng theo nhóm nghiên cứu, tốc độ đột biến của virus này còn thấp và chưa rõ mối quan hệ về mức độ ảnh hưởng của tốc độ đột biến tới độc tính và khả năng sao chép chỉnh sửa của nCoV. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong tình hình dịch bệnh lây lan rộng rãi hiện nay, cần tiếp tục chú ý đến khả năng đột biến và những thay đổi kiểu hình của loài virus này.