"Thành thật mà nói, tôi đã rất kinh hoàng. Khi tôi nói khi chúng ta cần sự đoàn kết thì những nhận xét phân biệt chủng tộc như vậy thực sự sẽ không giúp ích gì, nó đi ngược lại sự đoàn kết", ông Tedros nói trong cuộc họp báo của WHO tại Geneva đầu tuần này.
Tổng giám đốc WHO đã đề cập đến những nhận xét được đưa ra vào tuần trước bởi bác sĩ Jean-Paul Mira, người đứng đầu dịch vụ ICU (phòng điều trị tích cực) tại Bệnh viện Cochin ở Paris và Camille Locht, giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu y tế và y tế quốc gia Pháp (Inserm).
Vào thứ Tư tuần trước, hai vị chuyên gia y tế này đã xuất hiện trên truyền hình để thảo luận về việc liệu vaccine phòng bệnh lao BCG có thể là phương pháp điều trị tiềm năng cho COVID-19 hay không. Vaccine này đang được thử nghiệm lâm sàng cho mục đích đó ở Hà Lan và Úc.
Phát biểu về vấn đề này, bác sĩ Mira cho rằng Châu Phi có thể là nơi lý tưởng để tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
"Nếu tôi có thể quá lời. Liệu chúng ta có thể thực hiện nghiên cứu này ở Châu Phi, nơi không có khẩu trang, không có ICU hay không?", bác sĩ Mira nêu quan điểm. "Đã có một số nghiên cứu về AIDS đối với gái mại dâm tại đó, chúng ta phải thử mọi thứ vì họ rất dễ bị phơi nhiễm và không tự bảo vệ mình".
Bác sĩ Jean-Paul Mira (trái) và chuyên gia Camille Locht (phải). |
"Ông nói đúng", bác sĩ Loch trả lời. "Và chúng tôi đang trong quá trình xem xét về một nghiên cứu ở châu Phi để thực hiện song song cùng một cách tiếp cận với BCG, hay một loại giả dược...".
'Châu Phi không phải là phòng thí nghiệm'
Đoạn hội thoại này sau đó đã được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội Pháp và làm bất bình cộng đồng người gốc Phi.
Nhóm Esprit D'Ebene, bao gồm những người trẻ tuổi gốc Phi ở Pháp, nói trên Facebook rằng "loại đề xuất này sẽ không bao giờ được chấp nhận...bất kể nó ở đâu trên thế giới."
"Người châu Phi không phải là chuột thí nghiệm mà họ có thể dùng thử các dược phẩm mà không có bất kỳ đảm bảo nào cho sự an toàn của họ!", nhóm Esprit D'Ebene khẳng định.
Ngoài ra, một nhân vật có tiếng nói trong cộng đồng người châu Phi cũng lên tiếng về vấn đề này, đó là cựu danh thủ Bờ Biển Ngà - Didier Drogba.
"Châu Phi không phải là phòng thí nghiệm thử nghiệm", Drogba viết trên Twitter. "Tôi muốn tố cáo một cách sinh động những lời miệt thị, sai lầm và hầu hết tất cả các từ ngữ phân biệt chủng tộc".
Ngay sau đó, Bệnh viện Cochin đã đăng tải lời xin lỗi của bác sĩ Mira: "Tôi muốn gửi lời xin lỗi của mình cho những người bị tổn thương, bị sốc và cảm thấy bị xúc phạm bởi những nhận xét mà tôi đã bày tỏ một cách vụng về trên truyền hình, vì những nhận xét này không phản ánh tất cả những gì tôi đang có, và những gì tôi làm mỗi ngày, trong gần 30 năm nay".
Trong khi đó, Inserm đã bảo vệ chuyên gia Locht trong một thông cáo báo chí, nói rằng cuộc trao đổi đã bị cắt từ một cuộc trò chuyện dài hơn nhiều và "là chủ đề của những diễn giải sai lầm trên mạng xã hội".
Sau đó, phía Inserm đã điều chỉnh thông cáo, cho biết bác sĩ Locht xin lỗi và khẳng định ông không nói ra bất kỳ nhận xét phân biệt chủng tộc nào.
Đảng Xã hội của Pháp cũng lên án những bình luận của các chuyên gia, nói trong một tuyên bố "với tất cả sự tôn trọng đối với các nhà nghiên cứu nổi tiếng này, châu Phi không phải là phòng thí nghiệm cho chuột bạch".