Theo hãng thông tấn RIA, ngày 7/2, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra đề nghị trên một ngày sau khi nước này chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình tại thủ đô Moskva giữa lực lượng Taliban và các chính trị gia đối lập ở Afghanistan.
Phát biểu với báo giới sau khi đàm phán kết thúc, người đứng đầu phái đoàn Taliban, Sher Mohammad Abbas Stanikzai nêu rõ hai bên đã nhất trí về rất nhiều điểm. Ông bày tỏ hy vọng trong tương lai, các cuộc hòa đàm song phương tương tự sẽ tiến triển hơn nữa và cuối cùng sẽ đạt được một giải pháp, từ đó mang lại hòa bình hoàn toàn cho Afghanistan.
Không có quan chức nào trong Chính phủ Afghanistan tham gia cuộc đàm phán nói trên.
Trong khi đó, Mỹ đã tiến hành hòa đàm với Taliban tại Doha (Qatar) tháng trước. Ngày 6/2, Taliban tuyên bố Mỹ đã cam kết trong cuộc đàm phán rằng Washington sẽ rút một nửa số binh sĩ Mỹ ra khỏi Afghanistan trước tháng 4. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó thông báo Mỹ chưa nhất trí bất kỳ khung thời gian nào cho việc rút binh sĩ ra khỏi Afghanistan, và Washington sẽ xem xét các phương án điều chỉnh sự hiện diện quân sự của Mỹ "khi điều kiện cho phép".
Cuộc hòa đàm tại Doha kết thúc với dấu hiệu cho thấy có tiến triển hướng tới việc rút hàng nghìn binh sĩ nước ngoài ra khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 17 năm tại nước này. Trong Thông điệp Liên bang 2019 đưa ra ngày 5/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang tiến hành "những cuộc đàm phán mang tính xây dựng" với các tổ chức ở Afghanistan, trong đó có Taliban, theo đó sẽ có thể giảm bớt sự hiện diện của Mỹ cũng như tập trung vào chiến dịch chống khủng bố.
Hơn 2.300 lính Mỹ đã thiệt mạng và Washington đã chi hơn 900 tỷ USD tại Afghanistan kể từ năm 2001. Giới phân tích cho rằng Mỹ có nguy cơ đánh mất những thành quả khó khăn trong cuộc chiến kéo dài nhất từ trước tới nay của nước này.