Truyền thông Nga lên tiếng khẳng định trong năm 2016 quân đội nước này sẽ đưa vào sử dụng các phương tiện bay trinh sát không người lái (UAV) với những cải tiến mới về công nghệ có thể hoạt động trong tầm bay xa hàng ngàn km, bên cạnh việc trang bị động cơ kiểu mới tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Ngoài ra, với bộ thiết bị điều khiển linh hoạt đặc biệt, các UAV mới này có thể bay lên độ cao 5 km và tắt động cơ chính để tiết kiệm nhiên liệu nhưng vẫn có thể trinh sát thêm 3 km ở độ cao thấp hơn trước khi tái khởi động lại.
Loại UAV này được điều hướng bay hoàn toàn tự động thông qua hệ thống dẫn đường vệ tinh GLONASS của Nga hoặc thông qua quyền kiểm soát của hệ thống chỉ huy, điều khiển riêng.
Những thông tin trinh sát thu thập được sẽ không báo cáo trực tiếp về sở chỉ huy để tránh các hành động phá hoại thông tin hoặc làm nhiễu loạn dữ liệu và sẽ được các chuyên gia giải mã khi UAV trở về.
Mặc dù có thể giữ được thông tin an toàn nhưng điều đó sẽ làm giảm đi tính cấp thiết của thông tin trinh sát với các mục tiêu khẩn cấp. Bởi vậy loại UAV này chỉ được giao nhiệm vụ trong các mục tiêu cố định phục vụ cho việc lập kế hoạch tác chiến lớn trên chiến trường hoặc để tấn công bằng tên lửa hành trình.
Mô hình các máy bay không người lái của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga đã có những biện pháp hiệu quả hơn để khắc phục điểm yếu này đối với các mục tiêu di động. Trước mắt, Quân khu phía Đông sẽ được trang bị các UAV mới có tầm bay siêu xa, hỗ trợ cho máy bay không người lái kiểu "Orlan-10", có tầm bay khá hạn chế.
Các UAV này sẽ liên tục tham gia trao đổi dữ liệu với trung tâm chỉ huy và được kết nối với hệ thống quản lý trinh sát UAV quân đội. Điểm độc đáo của nó là có thể trinh sát các mục tiêu hoàn toàn độc lập mà không cần các thiết bị định vị như GLONASS.
Hệ thống điều khiển điện tử mới này cho phép mỗi UAV trở thành một phần trong mạng lưới kỹ thuật số quản lý chiến đấu. Trước đó hầu hết các phương tiện bay không người lái của quân đội Nga không được kết nối với hệ thống quản lý thông tin trinh sát của quân độị mà các máy bay thực hiện các nhiệm vụ của mình dưới quyền kiểm soát của đơn vị điều hành nó trên mặt đất.
Trong thời gian sắp tới, Bộ Quốc Phòng Nga cho biết UAV sẽ được sáp nhập vào một mạng lưới thông tin chỉ huy, điều khiển để có thể thu nhận phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định một cách thống nhất hơn.
Việc không sử dụng hệ thống định vị vệ tinh cũng giúp cho quân địch không thể tiến hành cướp quyền điều khiển, hoặc làm nhiễu loạn các thông số dữ liệu đã được định vị.
Loại UAV này sẽ được sử dụng trong tác chiến ở chiến trường cụ thể với các mục tiêu di chuyển tốc độ cao đòi hỏi phải nắm bắt chính xác, nhanh chóng và cung cấp dữ liệu cho các bộ phận oanh tạc.
M.K