Chiều nay, 3/1, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư tại trụ sở Tp.HCM trước thềm niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.
Sau buổi roadshow hôm qua tại Hà Nội, ban lãnh đạo ngân hàng đã tiết lộ kết quả kinh doanh vượt trội của HDbank năm 2017 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2.040 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước.
Năm 2018, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng 65,3% lên 3.921 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 34,99%, qua đó nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148.510 tỷ đồng.
Chia sẻ tại buổi roadshow, Tổng giám đốc HDBank ông Nguyễn Hữu Đặng cho biết nhờ kết quả kinh doanh vượt trội năm 2017, ban lãnh đạo dự định sắp tới sẽ chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 25-30% cho cổ đông, phương án chia cổ tức sẽ được HĐQT trình đại hội cổ đông trong thời gian tới. Mức cổ tức này gần như là mức cổ tức cao nhất trong ngành ngân hàng hiện nay, thể hiện cam kết của ban lãnh đạo HDBank từ những ngày đầu luôn đem lại giá trị cao nhất cho cổ đông.
Các năm trước ở thời kỳ ngành ngân hàng có nhiều biến động, HDBank luôn duy trì mức trả cổ tức trên dưới 10%. Hiện nay trong bối cảnh thị trường ngân hàng đang bùng nổ tại Việt Nam và cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, mức cổ tức "khủng" mà HDBank đưa ra sẽ là cú hích cho cổ phiếu HDbank trước thềm niêm yết.
Theo kế hoạch, gần 981 triệu cổ phiếu của HDBank sẽ chính thức giao dịch trên HoSE vào ngày 5/1/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 33.000 đồng/cổ phiếu.
Cầu ngoại vẫn rất lớn
Đại diện đơn vị tư vấn HSC cho biết định giá cổ phiếu phải dựa vào nội lực tiềm năng của công ty và tốc độ tăng trưởng gần 40%/năm trong giai đoạn vừa qua của HDBank cho thấy tiềm năng của ngân hàng. Trong bối cảnh HDBank nhận sáp nhập hai định chế tài chính mà nhà băng này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với trung bình ngành như vậy đã được đưa vào định giá và đơn vị tư vấn đã đưa ra con số 33.000 đồng/cp. Nhưng thời điểm đó VN-Index quanh 800 điểm, và thời điểm này khi VN-Index đã vượt 1.000 điểm.
Thứ hai yếu tố cầu trên thị trường từ các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn. Khi đơn vị tư vấn đưa HDBank chào bán cho các định chế trên thế giới với khối lượng tương đương 300 triệu USD trong khi cầu lên đến 1 tỷ USD thì khi lên sàn HDBank còn room gần 10% sẽ là yếu tố mang đến kỳ vọng nhiều hơn với giá trị của HDBank so với định giá ban đầu.
Tập trung vào khách hàng SME và bán lẻ, hưởng lợi từ hệ sinh thái "đặc quyền"
HDBank hiện là một trong 4 ngân hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam bên cạnh Techcombank, VPBank, ACB. Chiến lược bán lẻ và SME vốn đã được ngân hàng xác định ngay từ khi thành lập và kiên định thực hiện. Điều này cũng chính là nhân tố giúp HDBank đi qua các cuộc khủng hoảng thời gian qua.
Chỉ tiêu tăng trưởng mạng lưới của HDBank đang dẫn đầu. Ngân hàng đã xây dựng một nền tảng khách hàng mạnh với 25.000 doanh nghiệp SME và 4,8 triệu khách hàng bán lẻ. Đây là lợi thế giúp ngân hàng đón đầu tăng trưởng của thị trường bán lẻ đầy tiềm năng.
Mục tiêu của HDBank tới năm 2021 là nâng lượng khách hàng lên con số 15 triệu, tức gấp 3,13 lần. |
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, một điều riêng có của HDBank có thể giúp ngân hàng đạt được kế hoạch tham vọng trên chính là lợi thế về hệ sinh thái đặc quyền. Mối quan hệ mật thiết với các đối tác như Saigon Coop, Vietjet Air, HD Saison sẽ giúp HDBank tiếp cận 20 triệu khách hàng trong hệ sinh thái.
Điển hình như HDBank có thể tận dụng 30.000 đại lý bán vé máy bay của Vietjet để giới thiệu các sản phẩm bán lẻ của ngân hàng từ thẻ tín dụng đến cơ hội bán lẻ tài chính tiêu dùng.
Với Vietjet Air, HDBank cung cấp giải pháp quản lý dòng tiền cho mạng lưới với quy mô lên tới 500 – 700 tỷ đồng mỗi ngày. Ngân hàng cũng có thể tận dụng cơ hội tài trợ cho đại lý bán vé thấu chi mua vé máy bay Vietjet Air hay tài trợ tiêu dùng cho các khách hàng mua vé máy bay.
Mảng thu dịch vụ của HDBank trong tương lai cũng có thể tăng lên đáng kể nếu HDBank kết hợp với một đối tác phù hợp để làm bảo hiểm du lịch. Chỉ một nửa khách hàng Vietjet Air mua bảo hiểm du lịch (2-3 USD) thì HDBank có thể thu về 20-30 triệu USD hàng năm về phí thu bảo hiểm.
Với HD Saison, công ty tài chính tiêu dùng này đang có 3,5 triệu khách hàng và con số này tăng 20% mỗi năm và đây là "mỏ vàng" cho HDBank mở các tài khoản bán chéo để kết hợp các hệ sinh thái phục vụ cho giai đoạn phát triển chiến lược 2018-2021 nhắm tới vị trí dẫn đầu trong phân khúc bán lẻ và SME của ngân hàng.
Hiện tại HD Saison đang tập trung vào nhóm khách hàng thu nhập nhấp, tài trợ cho các sản phẩm cho vay xe máy, điện máy, hàng tiêu dùng và cho vay tiền mặt với các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt. Khi nhóm khách hàng này mở rộng thu nhập lên mức cao hơn họ sẽ trở thành khách hàng tự nhiên của HDBank.
Một điểm vượt trội của HD Saison so với các đối thủ trên thị trường là công ty này được hình thành từ một công ty tài chính của Pháp Société Générale và sau đó trở thành liên doanh giữa ngân hàng và đối tác Nhật Bản Credit Saison. Các đối tác quốc tế này mạnh về quản trị và có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã chắp cánh cho HDSaison có thể bay xa hơn trong thị trường 95 triệu dân đầy tiềm năng của Việt Nam. Danh mục cho vay truyền thống của HD Saison hiện gồm 3 mảng cho vay xe máy, điện máy hàng tiêu dùng và cho vay tiền mặt khách hàng thân thiết. Với lĩnh vực xe máy, HD Saison là người dẫn đầu.
Theo Giám đốc HD Saison trung bình cứ 100 chiếc xe máy vay mua trả góp thì 55-56 chiếc xe máy là do công ty tài chính này cấp tín dụng. 70% dư nợ cho vay của HDSaison tập trung vào mảng cho vay tiêu dùng, cung cấp các khoản vay cho khách hàng mua sản phẩm cụ thể nên công ty này sẽ kiểm soát được mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Với các khoản cho vay tiền mặt, công ty cũng chỉ hướng đến nhóm khách hàng hiện hữu và có lịch sử tín dụng đo lường được trong một thời gian dài. Do đó tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống HDBank tính đến 30/12/2017 được kiểm soát ở mức 1,5%, thấp nhất trong ngành.
Theo ndh.vn