Phát biểu trước thềm cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB vào tuần này, Chủ tịch WB David Malpass cho biết khu vực dự kiến sẽ bị hạ tăng trưởng nhiều nhất là châu Âu và Trung Á - với mức giảm 4,1%. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển cũng bị cắt giảm do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao vì gián đoạn nguồn cung liên quan tới căng thẳng Nga-Ukraine.
Chủ tịch WB cũng lưu ý số lượng nợ khổng lồ và lạm phát là hai vấn đề lớn mà tăng trưởng toàn cầu phải đối mặt. Ông bày tỏ đặc biệt quan ngại về các nước đang phát triển khi những nước này đang phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng, phân bón và thực phẩm tăng đột ngột. Theo ông, các nước nghèo đang phải gánh chịu với số lượng nợ lớn, lưu ý rằng 60% các nước thu nhập thấp đã phải đối mặt với tình trạng nợ nần hoặc có rủi ro cao.
Để đối phó với những căng thẳng kinh tế gia tăng từ xung đột Nga-Ukraine, ngân hàng này sẽ đề xuất xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang bị ảnh hưởng vì nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau. Quỹ này sẽ kéo dài 15 tháng đến hết tháng 6/2023, với khoảng 50 tỷ USD mà WB đặt mục tiêu huy động trong 3 tháng tới.
Quỹ khẩn cấp này sẽ tiếp tục "nhiệm vụ" vốn được triển khai trong đại dịch COVID-19 và hỗ trợ các nước đối phó với lạm phát gia tăng, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do xung đột Nga-Ukraine, cũng như "căng thẳng tài chính nghiêm trọng" do nợ tăng cao.
Chủ tịch Malpass cho biết một phần khoản tiền viện trợ này dành cho việc hỗ trợ các nước tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine, cũng như các nước bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu lương thực. Ngoài ra, các nước thành viên WB và IMF sẽ nhóm họp trong tuần này để thảo luận về khoản hỗ trợ mới cho Ukraine.