Kinh tế Trung Quốc thấm đòn từ chiến lược 'zero COVID'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hàng loạt thành phố rơi vào cảnh phong tỏa đã khiến các tài xế xe tải mắc kẹt trên đường cao tốc, dây chuyền sản xuất tạm dừng hoạt động và buộc một số nhà nhập khẩu phải tìm nguồn hàng từ bên ngoài Trung Quốc. Đó là những hệ lụy mà chiến lược "zero COVID" mà chính phủ Trung Quốc kiên trì theo đuổi.
Kinh tế Trung Quốc thấm đòn từ chiến lược 'zero COVID'

Đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất từ năm 2019, Trung Quốc đã và đang tiến hành mở rộng chiến dịch dập dịch, phong tỏa nghiêm ngặt các thành phố và kiểm soát biên giới. Các biện pháp có thể vẫn chưa hiệu quả, nhưng dữ liệu kinh tế chính thức được công bố vào thứ Hai cho thấy chúng đang gây ra một số thiệt hại lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc đã mở rộng 4,8% trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ đó hầu như không nhanh hơn 3 tháng cuối năm 2021, và nó cũng che khuất một vấn đề đang tồn tại.

Phần lớn mức tăng trưởng đó được ghi nhận vào tháng 1 và tháng 2. Tháng trước, hoạt động kinh tế của Trung Quốc chậm lại khi Thâm Quyến - thủ phủ công nghệ ở phía nam, và Thượng Hải - thành phố lớn nhất của đất nước, cùng các trung tâm công nghiệp quan trọng khác đều rơi vào cảnh phong tỏa. Lệnh đóng cửa khiến dây chuyền lắp ráp bị đình chỉ, công nhân nghỉ việc, tài xế xe tải bị mắc kẹt trên đường cao tốc và các bến cảng hoạt động trong tình trạng bong bóng. Hàng trăm triệu người tiêu dùng mắc kẹt trong nhà của mình khiến chi tiêu giảm sút.

Kinh tế Trung Quốc thấm đòn từ chiến lược 'zero COVID' ảnh 1

Một dây chuyền sản xuất tại Trương Gia Cảng. Ảnh: NY Times

Hôm thứ Hai, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết doanh số bán lẻ, một dấu hiệu quan trọng để xác định liệu người tiêu dùng có đang chi tiêu hay không, đã giảm 3,5% trong tháng 3 so với một năm trước. Sản lượng của nhà máy tăng 5%, chậm hơn so với tốc độ ghi nhận trong 2 tháng đầu năm. Nhập khẩu, vốn đang tăng nhanh trong hai tháng đầu năm, đã giảm nhẹ trong tháng trước, một phần do hoạt động vận chuyển gặp khó khăn.

Quá trình suy thoái bắt đầu từ tháng 3 dự kiến ​​sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tháng 4, với nhiều khu vực bị phong tỏa. Đây là một tin xấu đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, những người đã đặt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5,5%" trong năm 2022.

Cách đây một tuần, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi “tâm lý khẩn cấp” khi nói với các quan chức địa phương để hạn chế tác động của chiến lược phong tỏa đối với nền kinh tế. Thứ Sáu tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ra tay giúp các ngân hàng thương mại bằng cách cho vay nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với thế giới, chiến lược "zero COVID" của Trung Quốc có thể gây ra nạn lạm phát bằng cách tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng mà nhiều nhà sản xuất phụ thuộc vào, đẩy chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa lên cao. Một Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng sẽ nhập khẩu ít hơn từ các quốc gia khác, cho dù đó là tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, quặng sắt hay hàng tiêu dùng như quả anh đào và túi xách hàng hiệu.

“Nói về tác động của chiến lược chống dịch tại Thượng Hải và Thâm Quyến, chúng ta không thể quên rằng đó là hai đô thị đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng và nó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc”, theo ông Yao Jingyuan, cựu chuyên gia của Cục Thống kê Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc thấm đòn từ chiến lược 'zero COVID' ảnh 2

Lệnh phong tỏa khiến nhiều khu dân cư tại Thượng Hải tìm cách tích trữ hàng hóa số lượng lớn. Ảnh: NY Times

Các nhà điều hành trong ngành công nghiệp ô tô và lĩnh vực công nghệ, hai trong số những nhà tuyển dụng lớn nhất của Trung Quốc, đã bắt đầu cảnh báo trong những ngày gần đây về việc gián đoạn hoạt động trên toàn quốc của họ nếu Thượng Hải không sớm mở cửa trở lại. Thành phố ven biển này vốn sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao rất quan trọng đối với nhiều chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.

“Thượng Hải là trung tâm của các công ty ô tô quốc tế - nếu trung tâm này bị đóng băng, toàn bộ hệ thống sẽ không hoạt động", ông Cui Dongshu, tổng thư ký của Hiệp hội xe khách Trung Quốc, cho biết.

Các nền kinh tế địa phương tê liệt

Theo Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu kinh tế độc lập, tính đến ngày 11/4, 87 trong số 100 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã áp đặt một số hình thức hạn chế di chuyển. Các quy định hạn chế dao động từ việc giới hạn những người ra vào thành phố đến việc phong tỏa hoàn toàn như ở Thượng Hải, nơi hầu hết người dân không được phép rời khỏi nhà của họ thậm chí để mua thực phẩm.

Yang Degang, giám đốc của một nhà máy sản xuất máy đúc nhựa ở Trương Gia Cảng, cách Thượng Hải 70 km, đã buộc phải tạm dừng hoạt động sau khi thị trấn của ông áp đặt lệnh cấm đi lại vào hôm thứ Tư.

Ngay cả trước khi phong tỏa, nhà chức trách đã áp dụng các biện pháp hạn chế ngăn cản hoạt động đi lại của xe tải. Điều này khiến nhà máy của ông Yang không được giao linh kiện đúng hạn để chế tạo máy móc của mình và không thể giao thiết bị hoàn thiện cho nhiều nhà máy và bến cảng khác.

Trương Gia Cảng đang phải chịu áp lực rất lớn. Tôi lo lắng về việc thua lỗ, nhưng không còn cách nào khác”, ông Yang chia sẻ.

Kinh tế Trung Quốc thấm đòn từ chiến lược 'zero COVID' ảnh 3

Cảnh nhộn nhịp tại cảng Ninh Ba (Triết Giang) vào năm 2021. Ảnh: NY Times

Nhưng trong khi ngày càng nhiều thành phố áp dụng các biện pháp phong tỏa, thì vẫn có nhiều nơi nới lỏng mức độ chống dịch. Theo Gavekal, từ cuối tháng 3 đến hết thứ Tư tuần trước, số lượng các thành phố lớn bị phong tỏa hoàn toàn đã giảm xuống từ 14 xuống 6.

Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các chính quyền địa phương nới lỏng quy định cho các xe tải được phép di chuyển và thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ nền kinh tế khỏi bị tổn hại trong thời gian phong tỏa.

Nio, một nhà sản xuất ô tô điện ở Hợp Phì, miền Trung Trung Quốc, đã tạm dừng lắp ráp ô tô vào ngày 9/4. Hợp Phì không bị phong tỏa, nhưng các nhà cung cấp linh kiện quan trọng ở Thượng Hải, Cát Lâm và các nơi khác thì đang trong tình cảnh ngừng sản xuất. Tuy nhiên, đến thứ Năm tuần trước, công ty đã có đủ phụ tùng xe hơi để tiếp tục sản xuất dù vẫn còn hạn chế.

Người lao động gặp khó khăn

Nhiều công nhân cũng đang gặp khó khăn. Ví dụ, các tài xế xe tải phải đối mặt với nguy cơ thường xuyên phải cách ly kéo dài hàng tuần, họ thường không được trả công dù vẫn phải trả đúng hạn khoản vay mua xe.

Yu Yao, tài xế xe tải chở rau và trái cây từ tỉnh Sơn Đông đến Thượng Hải, là một trong số nhiều tài xế xe tải Trung Quốc mắc kẹt vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngày càng thắt chặt. Yu đã bị cầm chân ở Thượng Hải hơn 3 tuần.

Đến Thượng Hải vào ngày 16/3 để giao rau cho một khu chợ, Yu bị giữ lại do từng tiếp xúc với một F0 và phải cách ly. Anh dừng xe bên đường cao tốc và chờ đợi từ đó cho tới nay, nhưng không ai đưa tài xế này đi cách ly.

Yu hiện cũng chưa xin được giấy phép đi lại để lái xe tải ở Thượng Hải trong thời gian phong tỏa. Anh cùng 4 tài xế khác hiện đang phải ngủ ngoài đường và chia nhau ăn bánh mì trong ba tuần.

“Chúng tôi không thể ra khỏi đường cao tốc, mọi lối ra đều được canh gác. Chúng tôi chỉ muốn về nhà”, người tài xế than thở. "Tôi không còn cách kiếm đủ thức ăn, cơ thể tôi ngày càng suy kiệt."

Sống dựa vào xuất khẩu

Có một lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm nay: đó là xuất khẩu. Các nhà máy Trung Quốc đã chiếm được thị phần lớn đáng kể trên thị trường thế giới trong thời kỳ đại dịch, bao gồm cả xuất khẩu tăng 14,7% trong tháng 3 so với một năm trước. Nhiều công ty đa quốc gia tiếp tục phụ thuộc vào mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện ở Trung Quốc.

Nhưng khi Trung Quốc gây gián đoạn dây chuyền sản xuất bằng cách áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt mà không có cảnh báo trước, ít nhất một số công ty nhập khẩu ở phương Tây đang bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ở nơi khác. Jake Phipps, người sáng lập Phipps & Company, một nhà nhập khẩu và phân phối đồ nội thất gia đình của Mỹ, cho biết trong hai năm qua, ông đã chuyển nhiều đơn đặt hàng khỏi Trung Quốc.

Phipps & Company đã bắt đầu mua tủ bếp từ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, sàn nhựa vinyl từ Việt Nam và Ấn Độ và bồn rửa bằng thép không gỉ từ Malaysia. Các đợt phong tỏa liên tục tại Trung Quốc đã khiến quá nhiều lô hàng của công ty này bị trì hoãn, bao gồm một lô hàng cung cấp đường ống nước tại Ninh Ba vào tháng trước.

Nhiều khách hàng hiện đang cảnh giác với việc phụ thuộc vào Trung Quốc do các rào quản thuế quan, căng thẳng địa chính trị, theo giám đốc của Phipps & Company.

“Không còn đủ niềm tin khiến tôi phải dịch chuyển, khách hàng cũng không thoải mái khi đặt hàng từ Trung Quốc", ông Phipps nói.

Theo NY Times
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.