Phát triển trồng trọt đang dần đi vào chiều sâu
Và để đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 21 tỷ USD trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng với Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan đã họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa điều này.
Rau quả lên ngôi
Cục Trồng trọt mới tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019. Những số liệu được đưa ra tại hội nghị cho thấy, sự tăng trưởng của ngành trồng trọt đang dần đi vào chiều sâu, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bằng chứng là diện tích canh tác của một số đối tượng cây trồng chủ lực giảm, nhưng năng suất, sản lượng và giá trị lại tăng.
| |
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị |
Điển hình nhất là cây lúa, tuy tổng diện tích gieo cấy giảm khoảng 138.000 ha so với năm 2017 nhưng sản lượng lại tăng 1,22 triệu tấn (đạt 43,98 triệu tấn). Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn trong năm 2018, tỷ trọng gạo chất lượng cao xuất khẩu đạt khoảng 80%.
Cơ cấu cây trồng đang chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây ăn quả và rau. Cụ thể, tổng diện tích cây ăn quả đạt gần 970.000 ha, tăng khoảng 48.000 ha so với năm 2017. Sản lượng hầu hết các loại cây ăn quả đều tăng, đặc biệt là cam, bưởi, nhãn, thanh long.Riêng sản lượng vải tăng đột biến (370.000 tấn). Xuất khẩu rau, quả ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,5% về giá trị.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Chỉ từ năm 2017 đến năm 2018, diện tích chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác vàthủy sản là 346.000 ha. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa tại nhiều địa phương chưa tuân thủ theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2017 – 2020, chưa có quy hoạch chuyển đổi vùng tập trung, cơ sở hạ tầng, chế biến, tiêu thụ.
Đối với cà phê, giá trị xuất khẩu đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% về giá trị và tăng 29,6% về số lượng so với năm 2017. Điều tiếp tục là cây trồng chủ lực, với sản lượng xuất khẩu tăng 5,1%.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các tổ chức chứng nhận VietGAP, đến nay đã có gần 1.900 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 81.500 ha, tăng 297 cơ sở (60.373 ha) so với năm 2017. Điều đó chứng tỏ ngành trồng trọt đang chuyển dịch theo hướng canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng.