Trăn trở của những giáo viên vùng cao ngày đêm vận động trẻ đến trường
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu – Giáo viên mầm non Làng Chếu, huyện Bắc Yên, Sơn La đã có 23 năm công tác tại tỉnh miền núi này. Không quản ngại khó khăn, hơn 20 năm qua cô Thu vẫn luôn miệt mài với hành trình gieo chữ, vận động trẻ đến lớp ở một nơi mà nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.
“Bậc học mầm non là nền tảng của các bậc học khác, tuy nhiên ở những vùng khó khăn thì thầy cô phải vận động rất nhiều để các con đến lớp. Với giáo viên vùng cao với điều kiện đi lại, cơ sở vật chất hạn chế nên việc dạy và học gặp nhiều khó khăn, tôi mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, chế độ đãi ngộ tốt hơn với giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng cao để chúng tôi lấy đó là động lực, yên tâm hơn trong công tác” – cô Thu chia sẻ.
Cô giáo Nguyên chuẩn bị bữa cơm trưa cho các em học sinh nghèo |
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên - giáo viên điểm lẻ Quảng Mào, trường Tiểu học Thạch Bình, Nho Quan, Ninh Bình – người hơn 4 năm qua nấu cơm cho học trò chia sẻ, học sinh tiểu học còn non nớt nên lúc nào cũng coi mình như người mẹ của các em, để quan tâm, dạy dỗ các em tiến bộ. “Giáo viên ở những vùng khó khăn như thế này phải thực sự thấu cảm, yêu thương, chia sẻ thì các em mới có thể vươn xa được” – cô Nguyên tâm sự.
Cũng theo cô Nguyên, hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục còn nhiều vấn đề khiến bản thân cô không khỏi băn khoăn. Bây giờ giáo viên có khi còn sợ học sinh và phụ huynh, có nhiều học sinh hư giáo viên muốn phạt nhẹ các em như đứng dậy hay trực nhật cũng sợ bị phụ huynh phản ánh.
Mong muốn chương trình học tăng cường kỹ năng sống cho học sinh
Cô Lê Kim Phượng, THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Bình Dương có 32 năm trong nghề, 32 thế hệ học trò đã qua. Cô Phượng cho biết bản thân rất tự hào về truyền thống tôn sư trọng đạo với những thế hệ học sinh đã gìn giữ truyền thống đó. Tuy nhiên trong ngành giáo dục hiện nay vẫn còn tình trạng bạo lực học đường hay giáo viên xử lý học sinh chưa đúng chuẩn mực khiến dư luận bức xúc, trăn trở.
“Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần được đẩy mạnh hơn nữa, nên có sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường, ngoài giờ dạy trên lớp giáo viên cần tăng cường thêm giáo dục cho các em những kỹ năng, rèn luyện nhân cách đạo đức để học sinh giữ vững được truyền thống tôn sư trọng đạo”.
Về vấn đề sách giáo khoa, cô Phượng mong muốn chương trình mới sẽ dần tiếp cận được với giáo dục quốc tế, bớt đi áp lực cho học sinh, ít đi kiến thức hàn lâm, tăng cường kiến thức thời sự và kỹ năng sống cho các em.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai cùng đồng nghiệp nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo |
“Sự giao lưu, tiếp xúc giữa học sinh với giáo viên nên trên cơ sở thân thiện, tình thương, tránh những hiện tượng không hay” - cô Phượng tâm sự.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Mai – Trưởng khoa khoa học cơ bản, Đại học Giao thông Vận cho biết xã hội đặt rất nhiều kỳ vọng vào ngành giáo dục, nhưng bản thân cô mong muốn chương trình học giảm bớt những kiến thức hàn lâm, tăng cường thêm kỹ năng sống cho học sinh, để học sinh lên đại học có kĩ năng vững vàng, tránh những cám dỗ trong cuộc sống, khi ra trường có được công việc ổn định.