Trước yêu cầu cấp bách giải quyết những khó khăn của hoạt động đàn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương, "Ngày hội thầy đờn" được kích hoạt.
Bắt đầu từ chủ nhật 8-3, HTV sẽ phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh Niên tổ chức tọa đàm "Ngày hội thầy đờn", sau đó vào mỗi chiều chủ nhật sẽ có các buổi thảo luận chuyên đề, với sự tham gia của khán giả và các thầy đờn. Ba đợt gala "Ngày hội thầy đờn" sẽ được tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn: 30-4, 1-5 và ngày truyền thống sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch).
Điều cốt lõi mà "Ngày hội thầy đờn" hướng tới là nhìn thẳng vào thực trạng đời sống của ĐCTT Nam Bộ. Không ít CLB loại hình này hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí, phương tiện và cả nghệ nhân lành nghề. Những thành viên nòng cốt phong trào ngày càng cao tuổi, sức khỏe giảm dần, trong khi lớp trẻ chưa am hiểu và yêu thích bộ môn này nhiều.
Đạo diễn Thành Bỉ, người có sáng kiến tổ chức chương trình "Ngày hội thầy đờn" tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, cho rằng: "Vai trò của thầy đờn từ không gian ĐCTT Nam Bộ đến sàn diễn cải lương cần phải được đặt đúng vị trí. Hóa giải những trăn trở này, rất cần người trong cuộc ngồi lại, tìm ra câu trả lời và hoạch định những việc cần làm ngay trước khi đưa ĐCTT Nam Bộ và cải lương đi vào đời sống văn hóa, biến món ăn đặc sản này thành một điểm đến thú vị cho du khách và cho hệ sinh thái văn hóa tại TP HCM".
Có gần 900 CLB ĐCTT - cải lương đang hoạt động tại TP HCM nhưng các nhà chuyên môn, nghệ nhân vẫn băn khoăn, bởi CLB hoạt động hiệu quả không nhiều. Thiếu nhân lực, yếu chuyên môn… và không còn được nhiều khán giả lui tới đang là thực trạng cần nghiên cứu để tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam Bộ.
"Không thể cứ hoạt động cầm chừng, thiếu định hướng. TP HCM muốn tạo không gian văn hóa cho ĐCTT Nam Bộ thì phải rà soát nội lực. Ngày hội này sẽ là nơi "điểm danh" các thế hệ đang làm nghề. Trước xu thế phát triển chung của xã hội, nghệ thuật ĐCTT và cải lương cần có những giải pháp mang tính trọng tâm để vừa phát triển nhưng vẫn giữ được cái chất, hồn cốt của bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc này" - NSND - nhạc sĩ Thanh Hải bày tỏ.
Các nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ trình diễn trong chương trình “100 năm nguồn cội” được tổ chức tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM) |
NNND Tấn Nhì nói: "Làm sao để giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật này trong bối cảnh giao lưu và hội nhập chính là câu hỏi mà "Ngày hội thầy đờn" phải trả lời cho được. Đừng tụ lại cho vui rồi mạnh ai nấy làm, theo kiểu của mình. Cần chấm dứt ngay việc giảng dạy với giáo trình không đồng nhất. Hiện tình trạng các lò đào tạo mở ra rầm rộ, chất lượng không ai kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị di sản".
NSND Văn Giỏi đề xuất: "Cần ban hành giấy phép giảng dạy ĐCTT, có nhiều anh học không tới nơi tới chốn, dạy tràn lan mà vẫn tồn tại? Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã thực hiện đề án "Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường" nhưng bộ môn ĐCTT chỉ được lồng ghép trong vài tiết học ít ỏi. Giáo viên thiếu trình độ chuyên sâu đã gây khó khăn cho học sinh trong việc tiếp cận".
"Ngày hội thầy đờn" nếu có sự tương tác giữa các nghệ nhân với giáo viên sẽ không còn là nơi trổ tài, mà hướng đến việc thống nhất trong dạy và học, để tất cả nghệ nhân giỏi, nhà khoa học, CLB mạnh có chung một phương pháp truyền dạy nhằm giữ gìn nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ thuần chất.
Danh sách các thầy đờn và các nhà nghiên cứu tham gia “Ngày hội thầy đờn” gồm: NSND Văn Giỏi, NSND Thanh Hải, NNND Thanh Tùng, NNND Út Tỵ, NNND Tấn Nhì, NSƯT Khải Hoàn, NSƯT Hoàng Thành, NSƯT Minh Tâm, TS Mai Mỹ Duyên, TS Lê Hồng Phước, ThS-NSƯT Huỳnh Khải, TS-NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng...