Theo những người trực tiếp tham dự buổi học, Zukerman đã nhận xét về phần biểu diễn của một cặp học sinh gốc Nhật rằng vở kịch của họ quá hoàn hảo, họ cần phải thêm nhiều cảm xúc trữ tình hoặc đưa ca hát vào bài diễn của mình. Tuy nhiên, trong khi cho họ lời khuyên, ông lại thêm vào lời nhận xét có phần định kiến rằng bản thân biết những người đến từ Hàn Quốc không hát, hay có thể hiểu rằng những người ở các quốc gia này không thể hay không biết hát. Một trong hai học sinh đã lên tiếng nói rằng họ không tới từ Hàn Quốc, và họ là người gốc Nhật Bản. Zukerman trả lời bằng cách nói rằng người Nhật Bản cũng không hát, theo lời kể của những người tham gia buổi học.
Nhận xét của Zukerman đã bị các nhạc sĩ và giáo viên lên án rộng rãi, nhiều người nói rằng chúng vô hình trung củng cố những định kiến xấu xí mà nghệ sĩ gốc Á đang phải đối mặt trong ngành công nghiệp âm nhạc. Nhận xét của ông cũng khiến các nghệ sĩ người Mỹ gốc Á và Châu Á phản đối kịch liệt, với một số câu chuyện chia sẻ trên mạng xã hội về kinh nghiệm của họ đối với những định kiến và thành kiến.
Bà Hyeyung Yoon, một nghệ sĩ vĩ cầm, người đã thành lập Asian Musical Voices of America vào năm ngoái, cho biết nhận xét của Zukerman đại diện cho một kiểu suy nghĩ định kiến áp đặt trong khi không thực sự biết họ là ai và khả năng của họ thế nào. Bà trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Suy nghĩ này rất thịnh hành trong giới âm nhạc cổ điển, nhưng cũng rất thịnh hành trong xã hội lớn hơn”.
Bà Keiko Tokunaga, một nghệ sĩ vĩ cầm, cho biết mình và nhiều nghệ sĩ châu Á khác đã từng nghe những nhận xét tương tự như của Zukerman: “Chúng tôi thường được mô tả là vô cảm, thiếu cảm xúc và chỉ là những cỗ máy kỹ thuật.” "Và điều đó rất xúc phạm, bởi vì chúng tôi cũng là con người như bất kỳ ai khác trên hành tinh."
Những nghệ sĩ Mỹ gốc Á hay Châu Á từ lâu đã đối mặt với định kiến phân biệt chủng tộc. Làn sóng phản đối người châu Á ở Hoa Kỳ trong những tháng gần đây cũng đã làm gia tăng mối lo ngại về việc đối xử với các nghệ sĩ châu Á trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng và cuộc sống thường nhật nói chung.
Zukerman là một nghệ sĩ vĩ cầm và nhạc trưởng nổi tiếng với sự nghiệp kéo dài 5 thập kỷ. Ông là cái tên nổi tiếng nhất tại hội nghị của Juilliard, được biết đến với tên gọi Starling-DeLay Violin Symposium, nơi tập trung vào việc giảng dạy violin và thu hút các nhạc sĩ trẻ triển vọng, nhiều người trong số họ là thanh thiếu niên.
Trường Juilliard đã lên tiếng rằng nghệ sĩ Zukerman là một hướng dẫn khách mời và “những định kiến văn hóa thiếu tế nhị và phản cảm” của ông không đại diện cho các hệ giá trị tư tưởng và quan điểm của trường.
Vào ngày 28/6, nghệ sĩ vĩ cầm, nhạc trưởng Zukerman đã chính thức xin lỗi về những phát ngôn mà ông tự nhận là "thiếu nhạy cảm về văn hóa" của mình:
“Trong lớp học thạc sĩ hôm Thứ Sáu vừa rồi, trong khi cố gắng truyền đạt suy nghĩ của mình với hai nhạc sĩ trẻ vô cùng tài năng, tôi đã sử dụng những ngôn từ thiếu nhạy cảm về văn hóa. Tôi đã viết thư xin lỗi gửi cho cá nhân những học viên đó. Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến bất kỳ ai cảm thấy khó chịu vì lời nói của mình. Tôi không thể quay ngược lại thời gian, nhưng tôi chân thành xin lỗi về những việc đã xảy ra. Tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ biểu hiện tốt hơn trong tương lai.”
Sinh ra tại Tel Aviv (Israel) năm 1948, Pinchas Zukerman đến Hoa Kỳ năm 1962 và theo học tại Trường Juilliard theo học bổng của Tổ chức Văn hóa Mỹ-Israel.
Ông từng là chủ tịch của Chương trình Biểu diễn Pinchas Zukerman tại Trường Âm nhạc Manhattan trong 25 năm. Zukerman đã giành được hai giải thưởng GRAMMY (1980, 1981) và 21 đề cử.
Ông cũng nhận được Huân chương Nghệ thuật Quốc gia từ Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Giải thưởng Isaac Stern cho Nghệ thuật Xuất sắc trong Âm nhạc Cổ điển.