Cty Tenma Việt Nam. - Ảnh: Nguyễn Thắng |
Phía Tenma Việt Nam bất ngờ
Chiều 28/5, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã yêu cầu lãnh đạo Cty Tenma Việt Nam (trụ sở tại KCN Quế Võ) tới trao đổi xung quanh nghi vấn hối lộ hơn 5 tỷ đồng cho công chức thuế/hải quan Bắc Ninh.
“Chúng tôi yêu cầu Tenma phải báo cáo trung thực, bởi dù chưa thể khẳng định thông tin từ phía báo Nhật đúng hay sai nhưng đã làm ảnh hưởng, tổn thương nghiêm trọng tới môi trường đầu tư của tỉnh Bắc Ninh”, ông Mai chia sẻ.
Theo ông Mai, từ khi vào xây dựng trụ sở năm 2007 và hoạt động sản xuất tới nay, Tenma Việt Nam chấp hành rất tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh là người trực tiếp làm việc với Tenma Việt Nam ngày 28/5. Trả lời PV Tiền Phong, ông Long cho hay, phía Tenma đã ủy quyền cho một người phụ trách hoạt động sản xuất tới làm việc với đơn vị. “Ông này cho biết, rất bất ngờ trước thông tin báo Nhật phản ánh. Đồng thời, công ty có những báo cáo ngắn, từ đó chúng tôi đã báo cáo lên UBND tỉnh Bắc Ninh. Phía Tenma Việt Nam cũng đã gửi công văn hỏi công ty mẹ ở Nhật Bản về thông tin báo Nhật phản ánh nhưng chưa được hồi âm”, ông Long cho biết thêm.
Trước đó, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh tiết lộ, công an tỉnh này đã làm việc với nhân viên kế toán của Tenma Việt Nam và người này khẳng định: Sổ sách hạch toán không có khoản chi hối lộ như báo Nhật nêu.
Ông Đức Long cũng cho hay, bộ phận kế toán thuộc quản lý trực tiếp của Tổng Giám đốc Tenma Việt Nam. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên Tổng Giám đốc Tenma Việt Nam chưa thể sang Việt Nam để phối hợp xác minh sự việc.
Cần điều tra, xử lý kịp thời
Về nghi vấn hối lộ hơn 5 tỷ đồng của Tenma Việt Nam, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Cty Luật TNHH My Way cho hay, vụ việc mới dừng lại dưới góc độ thông tin từ các cơ quan truyền thông nước ngoài. Hiện tại, các cơ quan chức năng hai nước đang tiến hành thanh, kiểm tra để làm rõ.
Theo luật sư Hồi, trường hợp những thông tin do các cơ quan truyền thông Nhật Bản đưa ra là chính xác thì đây là sự việc nghiêm trọng, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ đều có chế tài xử lý theo quy định pháp luật. Trước tiên, đối với người có hành vi nhận hối lộ của các cán bộ, công chức Việt Nam như thông tin của truyền thông Nhật Bản đưa có thể bị khởi tố tội nhận hối lộ.
Nếu số tiền nhận hối lộ từ trên 1 tỷ đồng, người nhận hối lộ đối mặt với mức hình phạt cao nhất là “Tử hình”. Trường hợp thông tin do truyền thông Nhật Bản đưa tin là chính xác và được điều tra, làm rõ, những cán bộ, công chức đã thực hiện hành vi nhận hối lộ có thể đối mặt với khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
“Đương nhiên, khi tiến hành xét xử thì cơ quan chức năng còn phải xác định thêm chứng cứ thu thập được liên quan vụ án, nhân thân của từng người thực hiện hành vi phạm tội và rất nhiều yếu tố khác mới có thể đưa ra mức án phù hợp”, vị luật sư phân tích.
Ngoài hình phạt tù, người nhận hối lộ còn bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định với mức phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng. Mức hình phạt bổ sung này, theo vị luật sư, nhằm để khắc phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do người phạm tội đã gây ra.
Thứ hai, theo luật sư Lê Văn Hồi, như thông tin truyền thông Nhật Bản thì hành vi đưa và nhận hối lộ có thể đã diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, ngay bản thân người trực tiếp thực hiện hành vi hối lộ cũng có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự Việt Nam.
Luật sư Hồi cho rằng, việc các cơ quan truyền thông nước ngoài đưa tin về nghi án cán bộ, công chức Việt Nam nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả khoản thuế bị truy thu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam. Đặc biệt, khi hành vi này diễn ra đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xác minh, làm rõ những sai phạm này để có hành vi xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội để khôi phục niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm 2019, Tenma Việt Nam nộp ngân sách khoảng 30 tỷ đồng tiền thuế. Mức thuế tăng hơn trước vì công ty này hết thời gian miễn, chỉ còn được giảm thuế.
Ông Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh thông tin, cơ quan này đang điều tra vụ việc và sẽ thông tin đến báo chí trong thời gian tới.