Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 3: Xóm 'làm lại từ đầu'

(Ngày Nay) - Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) có mặt ở TP.HCM từ rất lâu đời. Nhiều người Sài Gòn hay nói với nhau, đứng ở ngã 3 KCX Tân Thuận mà muốn đi về đâu cũng dễ. Là người ta nói theo kinh nghiệm, bởi từ đây nhìn sang quận 1 thì thấy cao ốc lớp lớp trùng trùng, ngó qua quận 4 thì chung cư, cửa sổ, ánh đèn sáng loá. Còn tại quận 7, những con đường, dòng người, dòng xe tấp nập tụ hợp về. Lung linh sáng choang thành phố.
Có người sống nơi đây gần chục năm, người hơn 20 năm, cũng có người đang tuổi xế chiều mà đã có hơn nửa đời người làm khách ngụ cư...
Có người sống nơi đây gần chục năm, người hơn 20 năm, cũng có người đang tuổi xế chiều mà đã có hơn nửa đời người làm khách ngụ cư...

Lá rách đùm nhau

“Về đâu cũng được” có lẽ chỉ dùng để chỉ đường cho một vài lần người ta đi lạc lối. Bởi cũng ở ngay vị trí này, phía sau khu chế xuất Tân Thuận, hẻm nhỏ đường Huỳnh Tấn Phát có nhiều khu nhà trọ mọc lên đã lâu đời, tuổi thọ áng hơn nửa đời người cho khách trọ thuê. Có người sống nơi đây gần chục năm, người hơn 20 năm, cũng có người đang tuổi xế chiều mà đã có hơn nửa đời người làm khách ngụ cư.

Vào đến hẻm nhỏ đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông (Q.7) loanh quanh đi thêm mấy lối vòng vo, thêm rất nhiều xoẹt ngang, xoẹt dọc người ta mới đến được xóm ngụ cư như lời chú xe ôm ngoài đường chỉ dẫn. Chú nói “gần nhà nhưng xa cửa ngõ” quả thật không sai.

Lọt thỏm trong những dãy trọ cũ kỹ trở màu hoà cùng ánh điện đêm xam xám bàng bạc… Xóm ngụ cư nhỏ trở mình bởi tiếng bước chân, tiếng chuyện trò rì rào xen lẫn tiếng lục cục phát ra từ những vòng xe hủ tiếu, bún riêu văng vẳng giữa đêm từ đâu vọng lại.

Không hẹn mà gặp, đoàn người cùng rồng rắn đi về xóm trọ khi đêm đang vừa đặc quánh. Họ vừa tăng ca và cùng nhau ra về. Tiếng trò chuyện, tiếng thủ thỉ nói cười, hỏi thăm nhau trong đêm muộn, tiếng cười nói của những con người đến từ nhiều vùng đất khác nhau làm vỡ òa bóng đêm.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 3: Xóm 'làm lại từ đầu' ảnh 1

Chị Giang 41 tuổi thì căn nhà trọ của chị cũng gần 40 năm.

Chị Quỳnh Giang (41 tuổi) là chủ của 2 dãy trọ có 20 căn phòng cho người tứ xứ thuê lâu năm nơi đây chia sẻ, đời chị là đời chủ thứ 3 của khu trọ này. Trước đây, một đôi vợ chồng già làm chủ, sau được con bảo lãnh đi nước ngoài sinh sống nên bán lại cho mẹ chị. Mẹ chị qua đời đã hơn 5 năm và chị là chủ đời tiếp theo.

Chị Giang 41 tuổi thì căn nhà trọ của chị cũng gần 40 năm, có mấy lần tu sửa, người thuê thêm thêm bớt bớt, không giống những khu nhà trọ khác, nơi đây toàn những khuôn mặt đến ngụ cư rồi gắn bó nhiều năm. Họ ở đến quen thuộc, lễ hay Tết đều ở lại đây, bởi hầu như họ không biết phải về đâu.

Không biết phải về đâu nghĩa là thế nào? Chị Giang chỉ vào căn phòng trọ thứ 2, bên phải. Phòng này có bác trung niên năm nay đã 55 tuổi, thuê phòng này ở một mình 8 năm nay, bác hành nghề chạy xe ôm, chạy suốt ngày suốt đêm chỉ về phòng tắm giặt qua loa rồi lại đi. Giường bác là chiếc xe máy cũ mỗi khi vắng khách, nhà bác là những ngã tư nằm trên yên xe ngửa mặt là thấy sao trời. Bác rất ít nói về gia cảnh, về quê nhà. Cũng chưa từng thấy người thân nào đến đây thăm bác, dẫu chỉ một lần.

Bác tên là Thực, nghe vài người quen thân bác nhiều năm trong khu trọ này kể lại bác có tiền án tù tội thời trai trẻ vì lỡ tay ngộ sát chính vợ của mình trong một cơn ghen tuông. Ra tù, bác bỏ xứ đi biệt tích và rồi chọn nương náu chốn này. Có lẽ bác muốn quê đi cái quãng buồn u ám ấy nên cũng không ai muốn hỏi đến làm gì. Ai mà muốn kể lại vết thương đời mình đâu, nhất là, ngụ cư nhiều năm chốn trong con hẻm chốn thị thành, Sài Gòn đã phủ thêm một lớp bụi thời gian để cho người muốn quên không cần phải nhớ.

Cũng quãng khuya, những công nhân lục tục về phòng trọ, tắm giặt, dọn dẹp và bắt đầu ăn tối. Chị Th., chia sẻ “Tăng ca đã có cơm của công ty rồi, nhưng về nhà ăn thêm, ngồi may cả ngày lúc nào cũng thấy đói”. Chị Th. Năm nay vừa qua 40, chị có 1 con gái đang học lớp 7. Hai mẹ con sống nươg tựa nhau , nương tựa những người xa xứ xung quanh từ ngày chị lầm lũi mang thai, đến đây sống trọ mà trong người không có lấy 1 ngàn như lời chị tâm sự.

“Hồi đó vợ chồng ông bà chủ trọ cũ thấy tội chị bụng mang dạ chữa nên cho ở mà không hỏi gì thêm, không nói gì về tiền bạc cả. Thấy chị ngại, họ nói khi nào sinh con, đi làm có tiền trả cũng được.” Và cái dãy nhà trọ này bỗng thành chốn nương thân cho một mảng đời không biết về đaua sau mối tình bị phụ, bị chối bỏ sinh linh đang hình thành trong bụng. Bị ép phải bỏ con nên trốn nhà đi biệt, nương náu người không quen.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 3: Xóm 'làm lại từ đầu' ảnh 2

Nhà bếp của những người trong xóm "làm lại từ đầu".

Tin vào tương lai

 Có một điểm chung ở hầu hết những gia đình có con trong xóm ta hương này là bọn trẻ đều được học hành đàng hoàng. Con gái chị Th., 2 con trai của vợ chồng anh Đ. đều đang học một trường THCS quận 7. “Đời mình vì thiếu học hành, vì không theo nổi con chữ, lớp trường mà khổ vậy. Giờ cực mấy cũng để các con đến trường”.

Buổi sáng, trước khi đi làm cha mẹ đưa các em đến trường rồi chiều các em tự đi bộ hoặc lớn hơn thì tự đón xe buýt về nhà, tự tắm rửa, ăn cơm, học bài. Mâm cơm thịnh soạn với các em là có cá, có thịt dẫu đã nguội lạnh nhưng vẫn luôn là niềm háo hức của các em khi về đến nhà, những hôm cuối tháng cha mẹ chưa có lương, bữa cơm có khi chỉ là đậu hũ, rau luộc hay gói mì bẻ tư chế loãng chan với cơm... Cái nghèo dạy cho con người ta tính tự lập, tính nhẫn nại và thấu hiểu hơn bất cứ điều gì. Ước ao có một nụ hôn của cha mẹ đặt lên trán trước khi đi ngủ hình như là điều xa xỉ với bọn trẻ ở đây bởi cha mẹ các em ngày nào cũng tăng ca, khuya lắm mới về...

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 3: Xóm 'làm lại từ đầu' ảnh 3

Căn phòng trọ tuềnh toàng nhưng không ngăn nổi những ước mơ về một ngày mai đầy tươi sáng...

Mỗi đứa trẻ nơi đây khi được hỏi đều nói về những ước mơ tươi đẹp của tương lai, nơi đó không có những nặng trĩu nỗi lo đói no cơm bữa, không có những gánh gồng đè vai người mẹ đơn thân “Lớn lên con sẽ làm công an…”, “Con muốn làm cô giáo”, “Con muốn làm giám đốc có nhiều tiền phụ giúp cha mẹ con…”

Giấc mơ trẻ thơ diệu kỳ ươm hình từ những lang bạt nổi trôi muôn phương về đây cư ngụ. Căn phòng trọ tuềnh toàng nhưng không ngăn nổi những ước mơ về một ngày mai đầy tươi sáng.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 3: Xóm 'làm lại từ đầu' ảnh 4

Họ ở đến quen thuộc, lễ hay Tết đều ở lại đây, bởi hầu như họ không biết phải về đâu...

Điều mà ai cũng cảm nhận được khi đến đây là sự chan hoà yêu thương nhau của những người cùng số phận, ở đây không có sự đố kỵ, ganh ghét. Người trẻ nâng đỡ người già, người già sẻ chia kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế, khuyên bảo người trẻ. Xa gia đình, xa xứ, không biết bến đâu để về những cư dân nơi này nương tựa vào nhau để bước trên bước đường mưu sinh nơi đất khách quê người.

Ngày khép lại với những con người nơi dãy trọ tha hương khi đồng hồ gõ nhịp 0 giờ sáng. Xóm trọ chìm dần vào giấc ngủ, họ thiếp đi với những giấc mơ chập chờn, mộng mị và còn đó bao gánh nặng gánh mưu sinh…

Dân ngụ cư - Hiện trạng và giải pháp của thành phố

Theo thống kê năm 2019, dân số TP.HCM chỉ khoảng 9 triệu người, nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây. Thực tế, theo một cuộc điều tra chuyên biệt gần đây nhất về Nghèo đô thị cũng cho thấy tỷ lệ người nhập cư trên 20% (không tính một số đối tượng như sinh viên,...). Mặc dù có thể có những sai số nhất định, thực tế cũng cho thấy rõ ràng trong 5 năm trở lại đây số người không có hộ khẩu thường trú đã tăng đáng kể, ít nhất là từ 700.000 đến 1 triệu người.

Họ là công nhân các khu công nghiệp, công nhân xây dựng, lao động tạp vụ, mua phế liệu, bán hàng rong, vé số, sinh... Hầu hết họ từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Thu nhập từ thấp đến rất thấp, nghề nghiệp không ổn định. Có nhiều dân ngụ cư lâu năm vẫn chưa có sổ hộ khẩu, con cái không được làm giấy khai sinh và không được đến trường. Những người dân sống tạm cư hay ngụ cư tại TP.HCM đa số đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.

Do đó, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong việc tập trung xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư, người ngụ cư lâu năm… là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị lớn như TP.HCM.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.