Người khiếm thị, họ khiêu vũ bằng trái tim

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Khởi đầu từ một lớp học khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị, thầy Hòa cùng các học viên đã tổ chức được một giải đấu thường niên cho người khiếm thị trên toàn Việt Nam. Họ vẫn khiến xã hội phải bất ngờ bởi sự cố gắng, vươn lên không ngừng nghỉ của mình…
Thầy Hòa cùng các học viên khiếm thị chụp ảnh lưu niệm với ông Lê Trung Quyết - Chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thầy Hòa cùng các học viên khiếm thị chụp ảnh lưu niệm với ông Lê Trung Quyết - Chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Động tác khó? Không thành vấn đề!

“Bị ‘cô-vít’ à? Mọi người hỏi thăm em đấy!... Đợt này lớp đang tập luyện trở lại để chuẩn bị cho giải đấu sắp tới. Khi nào khỏe lại qua chơi với mọi người, em nhé!”

Cảm xúc tôi lẫn lộn sau cuộc điện thoại với thầy Tô Văn Hòa - một cựu vận động viên dancesport, hiện đang phụ trách một lớp dạy khiêu vũ thể thao (dancesport) miễn phí cho người khiếm thị ở quận Đống Đa. Bất ngờ, có, vì chưa hiểu vì sao thầy và các học viên lại biết tin mình đang vật vã chiến đấu với con “cô-vít”. Vui mừng, có, vì biết giải khiêu vũ cho người khiếm thị toàn Hà Nội năm nay vẫn được tổ chức như dự kiến. Áy náy, có, vì đã lâu rồi, tôi không qua thăm các học viên khiếm thị và thầy Hòa.

Nhận kết quả PCR âm tính, tôi tới ngay trụ sở Hội người mù quận Đống Đa, nơi lớp khiêu vũ của thầy Hòa đang tập luyện cho Giải Khiêu vũ thể thao toàn quốc cho Người khiếm thị lần thứ 2, được tổ chức vào ngày 17/4 sắp tới tại Học viện múa Việt Nam.

Người khiếm thị, họ khiêu vũ bằng trái tim ảnh 1

Thầy Hòa chỉnh sửa động tác cho học viên của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thấy tôi, thầy Hòa giới thiệu: “Mọi người ơi! Hôm nay lớp mình có nhà báo đến chơi nhé.” Mọi người liền hồ hởi: “Khôi đấy à? Vào đây em!”, “Còn nhớ chị không đấy?”, “Cựu F0 xin chào cựu F0 nhé!”. Cô bé An Như, nhỏ tuổi và xinh xắn nhất lớp, giọng có chút hờn dỗi: “Phải nửa năm rồi anh chẳng qua với lớp em.” Nhưng tôi chưa kịp phân bua, An Như đã vuốt nhẹ mái tóc, hồn nhiên: “Nhưng anh thấy tóc mới của em có đẹp không? Mẹ mới tết cho em sáng nay đấy.” Thấy cơ hội “làm hòa”, tôi nhanh nhảu: “Đẹp chứ. Thế mới xứng đáng làm hoa khôi của lớp!”.

Đúng 8h sáng, buổi tập bắt đầu. “Lan Anh ơi”, “Thiệp ơi”, “Quang ơi”, mọi người í ới gọi tìm bạn nhảy của mình. Một lúc sau, các cặp nhảy đều đã vào đúng vị trí. Thầy Hòa nghiêm giọng: “Điệu valse! Đôi của Hiền với Thiệp lên trước. Âm nhạc, bắt đầu!”.

Thiệp, cậu sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, nắm tay bạn nhảy rồi sải những bước đầy tự tin lên sàn. Âm nhạc vang lên, cặp đôi nhẹ nhàng lướt đi, hòa mình vào điệu nhảy. Tất nhiên, để uyển chuyển, nhuần nhuyễn như các vũ công chuyên nghiệp, họ chưa làm được. Nhưng từng cử động, bước chân đều ăn khớp với nhau, như hình với bóng. Không một động tác thừa, một pha lỡ nhịp, hay một cú vấp. Tôi nín thở khi Thiệp và chị Hiền thực hiện động tác xoay 360 độ nhiều vòng liên tục, vừa xoay vừa di chuyển, rất khó để thực hiện đúng ngay cả với người bình thường. Khi họ kết thúc bài diễn rồi cúi chào, tôi mới thở phào. “Xin cảm ơn các vận động viên! Nhưng lần sau đợi nhạc dừng hẳn rồi hãy cúi chào khán giả nhé,” thầy Hòa nhẹ nhàng nhắc nhở.

Người khiếm thị, họ khiêu vũ bằng trái tim ảnh 2

Thiệp và bạn nhảy của mình - chị Hiền, tập dượt điệu nhảy Viennese Waltz. (Ảnh và video: Việt Khôi)

Thiệp và bạn nhảy của mình - chị Hiền, tập dượt điệu nhảy Viennese Waltz. (Ảnh và video: Việt Khôi)

Máu phiêu lưu nổi lên, tôi đề nghị chị Hiền hướng dẫn mình động tác xoay 360 độ vừa rồi.“Chắc chưa? Khó đấy nhé!”, chị cười. Những bước nhảy khởi đầu không mấy khó khăn. Nhưng đến khi vòng xoay bắt đầu, tôi chỉ xoay được 3 vòng rồi mất trụ, văng ra ngoài, tí nữa kéo cả chị Hiền ngã theo. Cả lớp cười ồ lên. Thầy Hòa vỗ vai tôi: “Muốn xoay được thì đăng ký học cùng lớp, anh ghép cặp cho!”.

Cuối buổi học, chị Hà, lớp trưởng, ấn nhẹ vào tay tôi chiếc áo đồng phục của lớp. “Tặng em món quà nhỏ nhé. Mọi người đã coi em là thành viên của lớp từ những ngày đầu tiên rồi!”

“Dù chuyện gì xảy ra, họ vẫn sẽ tiếp tục khiêu vũ,…”

Tôi nhớ lại khoảng thời gian 2 năm trước, khi các học viên mới chập chững những bước nhảy đầu tiên. Phòng tập khi đó chỉ rộng chưa đầy 20 mét vuông, sàn gạch chỗ nứt chỗ vỡ. Cứ nhảy được vài nhịp là họ lại vấp ngã, hoặc đâm sầm vào nhau. Được khiêu vũ ở một sàn tập rộng rãi, bằng phẳng là ước mơ lớn nhất của họ thời ấy. Và chỉ cần thuộc lòng các động tác cơ bản, đã là một thành công rất lớn với họ rồi.

“Vì khi dạy dancesport cho người khiếm thị, phải mô tả và diễn giải các động tác từng chút, từng chút một, không thể vội vàng. Người bình thường cố gắng một, họ phải cố gắng mười!”

Giờ đây, họ đã có thể “đi” thuần thục những điệu nhảy phức tạp như Viennese Waltz, Quickstep, Slow Foxtrot… Không khí lớp học chuyên nghiệp hơn nhiều: “nhảy ra nhảy, chơi ra chơi”, đã tập luyện là liền một mạch đến giờ nghỉ mới thôi. Họ đã có thêm một sàn tập mới, rộng rãi, bằng phẳng tại tầng M của tòa nhà Charmvit Tower, số 117 Trần Duy Hưng. Họ đã xây dựng được một cộng đồng không hề nhỏ tại thủ đô, dưới cái tên CLB Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SOLAR). Ở nhiều quận lớn như Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông,.. đều có những thành viên của SOLAR đang tập luyện. Và họ đã có một giải đấu của riêng mình, nơi họ không còn là những học viên, mà là những vận động viên.

“Năm nay mình đặt mục tiêu bảo vệ huy chương vàng, nên ngày nào ở nhà cũng bật nhạc nghe cho quen, rồi nhờ con gái giúp ôn lại các điệu nhảy. Cô bé cũng hào hứng lắm, được học nhảy miễn phí mà!”, anh Quang chia sẻ.

“Sắp tới mình sẽ đăng ký 6-7 điệu liền, quyết tâm ‘ẵm’ thật nhiều giải về cho bõ công tập!”, chị Hiền tươi cười.

Người khiếm thị, họ khiêu vũ bằng trái tim ảnh 3
Người khiếm thị, họ khiêu vũ bằng trái tim ảnh 4

Các học viên của thầy Hòa tại Giải Khiêu vũ thể thao dành cho Người khiếm thị Việt Nam năm 2021. (Ảnh: Việt Khôi)

Những câu nói đầy quyết tâm và nghị lực ấy làm tôi hiểu ra một điều. Không phải một phòng tập mới. Không phải một giải đấu riêng. Sự lạc quan và niềm tin của họ vào bản thân, mới là thay đổi đáng tự hào nhất. Lớp học ấy là nơi để những người khiếm thị cùng dắt tay nhau đi lên, vượt ra khỏi cụm từ “nhóm người yếu thế” mà xã hội đã và đang gán cho họ.

“Những ngày đầu tiên, hầu như ai cũng rụt rè, ngại ngùng. Động tác nào cũng phải để thầy chỉ từng chút một. Vì khiêu vũ với người bình thường còn khó, thì người khiếm thị tập sao nổi! Nhưng từ lúc thành thạo được điệu Valse nhanh, mình cảm thấy không còn điều gì là mình không làm được. Khiêu vũ không chỉ cho mình sức khỏe, niềm vui, những người bạn mới, mà còn khiến mình tin rằng bản thân không hề thua kém những người bình thường,” chị Hiền nói.

“Có người hỏi tôi, ngoài thời gian học khiêu vũ ra, bình thường các học viên làm công việc gì? Tôi là Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, anh Thủy là Chủ tịch Hội người mù quận Hoàng Mai. Anh Quang kinh doanh rượu, anh Thế Anh kinh doanh thiết bị âm thanh. Lan Anh vừa đỗ đại học năm nay, nhưng đang dành ra 1 năm để đi làm gia sư, rèn luyện kỹ năng sư phạm. Họ đều có công việc ổn định, tự chủ trong cuộc sống của mình. Tôi tin rằng, nếu cộng đồng của họ tiếp tục mở rộng, sẽ ngày càng có nhiều người khiếm thị làm được như vậy,” thầy Hòa chia sẻ.

Tôi tự hỏi, điều gì khiến các học viên khiếm thị gắn bó với dancesport, với lớp học này đến vậy? Có lẽ, tất cả đều nằm ở những trái tim đầy say mê và nhiệt huyết. Không thiếu những thời điểm khó khăn, khi lớp không tìm được sàn tập, thiếu kinh phí duy trì hoạt động, hay gián đoạn tập luyện do dịch COVID-19… Nhưng sau cùng, họ vẫn ở đây, cùng thầy Hoà viết tiếp câu chuyện về những người khiếm thị đam mê khiêu vũ. Họ yêu môn thể thao này, và yêu cộng đồng của mình.

“4 năm gắn bó với lớp học, là biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Đó là lần cả lớp được trình diễn tại Giải vô địch Khiêu vũ thể thao Quốc tế năm 2019 tại Hà Nội. Là ngày giải khiêu vũ thể thao đầu tiên cho người khiếm thị tại Việt Nam được tổ chức. Là ngày lớp chính thức có sàn tập mới. Là chuyến du lịch đầu tiên cùng nhau… Đã đồng hành với nhau được đến đây, tôi tin rằng, dù có chuyện gì xảy ra, các học viên của tôi vẫn sẽ tiếp tục khiêu vũ,” thầy Hòa xúc động.

Sau giải đấu sắp tới, thầy Hòa và các học viên vẫn còn nhiều dự định lớn đang ấp ủ. Tôi chỉ mong rằng, trong trái tim của những “vũ công” khiếm thị ấy, âm nhạc sẽ không bao giờ tắt, và những bước nhảy sẽ không bao giờ dừng lại…

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?