Nguồn khách then chốt
Dẫn số liệu của Hội đồng Du lịch và lữ hành Thế giới –WTTC, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC cho biết, năm 2019, chi tiêu của khách nội địa chiếm tới 3/4 và chi tiêu của khách quốc tế chỉ chiếm 1/4 trong tổng chi tiêu cho du lịch toàn thế giới. Tại nhiều quốc gia, khách nội địa có vai trò vô cùng quan trọng với đóng góp vào doanh thu vượt xa du khách quốc tế.
Khu vực Mỹ Latinh trên 82% nguồn thu đến từ khách trong nước; tại Anh quốc, năm 2017 tổng thu từ du lịch trong đạt 70 tỷ bảng, trong khi từ du khách quốc tế đạt 24.5 tỷ bảng. Tại Mỹ, năm 2018, chi tiêu từ du khách trong nước chiếm tới 86% tổng thu ngành du lịch và góp phần tạo ra 7,7 triệu việc làm.
“Những con số đóng góp từ khách nội địa nói cho thấy, bên cạnh nhân tố quan trọng khách quốc tế thì thị trường nội địa luôn giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển ngành”, theo nhận định của WTTC.
Hạ Long |
Tại Việt Nam, đóng góp của thị trường nội địa, theo ước tính từ chiếm từ 45% đến dưới 50% tổng doanh thu du lịch, dù khách nội địa luôn áp đảo du khách quốc tế.
“Vấn đề có lẽ không nằm ở khả năng tiêu dùng của du khách trong nước, bởi người Việt sẵn sàng chi tiêu từ 7-8 tỷ USD hàng năm khi đi du lịch nước ngoài,theo một thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam từ năm 2016. Trong khi đó, tổng doanh thu của cả ngành du lịch Việt Nam năm 2019 chỉ hơn 30 tỷ USD”, bà Dung cho hay.
Điều này phần nào cho thấy ngành du lịch vẫn còn rất nhiều tiềm năng khai thác từ nguồn khách trong nước, nhất là nhóm khách có khả năng chi tiêu cao đang ngày càng gia tăng.
Và điều này, cũng đồng nghĩa với việc kích cầu nội địa không chỉ là bài toán đặt ra trong ngắn hạn như một giải pháp sau thời Covid, mà cần được xem xét như một trong những vấn đề cốt yếu đối với ngành du lịch trong dài hạn, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC nhận định.
Tạo nguồn thu bền vững
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có những chính sách, những ý tưởng riêng rất thành công để kích cầu thị trường nội địa.
Phong trào “Mỗi làng một sản vật” (Once village one product - OVOP) khởi phát từ năm 1979 tại thị trấn Yufuin, tỉnh Oita, Nhật Bản đã góp phần không nhỏ giúp liên kết các sản phẩm địa phương để phát triển thị trường du lịch trong nước. Nhờ đó, tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Yufuin trên 60%, chủ yếu là khách nội địa, chiếm trên 95% tổng số khách đến Yufuin hàng năm. Mô hình này đã lan tỏa đến hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam và đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, dấu ấn của chương trình này với du lịch nội địa Việt Nam vẫn chưa thực sự đậm nét.
Tại Hungary, với hệ thống thuế được xây dựng trên cơ chế khuyến khích DN cung cấp cho người lao động những lợi ích ngoài lương, bao gồm voucher nghỉ dưỡng, hay các loại thẻ dành cho du lịch. Trong vòng 2 năm kể từ 2012, hơn 840.000 thẻ loại này đã được phát hành, với tổng giá trị sử dụng trên 353 triệu Euro, đa phần được sử dụng cho các dịch vụ du lịch nội địa. Chương trình này đã và đang cho thấy sự thành công và hiệu quả trong việc quảng bá, thúc đẩy các dịch vụ du lịch trong nước tại Hungary.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn BIM, đây chính là thời điểm để thay đổi cách nhìn nhận đối với du lịch nội địa trong bối cảnh phải cạnh tranh với các tour nước ngoài có mức giá thậm chí rẻ hơn với dịch vụ hấp dẫn hơn.
Việt Nam phải xây dựng chiến dịch trên diện rộng, toàn quốc để quảng bá du lịch nội địa, các địa phương cần quảng bá, tạo dựng thương hiệu riêng. Bà Mai đề xuất thực hiện chiến dịch theo từng tuần lễ, tập trung tại từng địa phương từ Bắc vào Nam và đi kèm cùng các sự kiện.
Bình Định đẩy mạnh kích cầu du lịch bằng chính sách giảm giá và các sản phẩm mới |
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực của Tập đoàn FLC, mặc dù đang có sự “bùng nổ” về các chiến dịch kích cầu nhưng sự “kích cầu” ở đây cần được hiểu không đơn thuần chỉ là giảm giá mà còn là sự gia tăng thêm quyền lợi và giá trị cho du khách thông qua chuỗi liên kết, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhu cầu mới để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của thị trường.
“Nếu ‘kích cầu’ chỉ chạy theo giá rẻ, bỏ bê chất lượng, mạnh ai nấy làm mà không có sự liên kết dịch vụ, đồng bộ về chính sách, thì đây sẽ lại là cuộc đua không có lợi về lâu dài cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Chúng tôi đang tận dụng hệ sinh thái du lịch tương đối đồng bộ để tạo ra nhiều sản phẩm liên kết trong hệ thống FLC, cũng như giữa FLC và cá DN khác. Mục tiêu là tạo ra các sản phẩm vừa có chi phí tốt hơn cho khách hàng, vừa kết nối đa dạng giữa các tiện ích vé máy bay, khách sạn, các dịch vụ ăn uống, giải trí, sân golf…”, bà Dung nói.
Cùng DN thì đồng bộ của các tỉnh thành và liên kết vùng là rất quan trọng với vai trò dẫn dắt sự kết nối. Tại Bình Định vừa công bố chương trình kích cầu với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp với nhiều chính sách chung như giảm giá dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển khách du lịch, lữ hành từ 10 - 20%, vé vào cổng các điểm tham quan, du lịch giảm từ 20 - 50%... Chương trình này xúc tiến khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch mới như tìm hiểu truyền thống văn hóa - lịch sử trên tuyến QL 19 mới và kết nối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh để thu hút du khách.
“Kích cầu nhưng phải thực hiện “3 tốt”: Không chặt chém, không phá giá, không làm du khách phải phiền lòng về địa phương của mình. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải đồng hành cùng Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm phải xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phạm Hà, nhà sáng lập Lux Group đặt câu hỏi “Nhiều trải nghiệm sang trọng và độc đáo như du thuyền ngủ đêm trên vịnh hay trên sông toàn du khách nước ngoài hưởng, đốn tim du khách nước ngoài tại sao người Việt Nam ta chưa mặn mà?”. Vì thế, ông Hà cho rằng, cần xúc tiến việc quảng bá trong nước để người Việt Nam có cơ hội thụ hưởng văn hoá, thiên thiên, ẩm thực của quê hương và tạo ra niềm tự tôn, tự hào trước khi xúc tiến ra nước ngoài.