Ngày 15/3, Tọa đàm với chủ đề "Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam" được tổ chức trong ngày khai mạc Hội Báo Toàn quốc 2019 với sự góp mặt của các nhà báo lão thành, những người công với ngành báo chí nước nhà.
Chủ trì Tọa đàm có đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, đồng chí Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, TS. Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi Tọa đàm. |
Tới tham dự Tọa đàm có nhà báo Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nhà báo lão thành Phan Quang – nguyên Chủ tịch HNBVN, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nhà báo Lê Quốc Trung – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN; Nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN cùng các nhà báo, phóng viên cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương cũng tới dự.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ về Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng. Các ý kiến phát biểu khẳng định đóng góp của đồng chí Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng cũng như ngành Phát thanh, Truyền hình Việt Nam; thể hiện niềm cảm phục, yêu mến, trân trọng đối với Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng - tấm gương tiêu biểu về trách nhiệm của nhà báo với đất nước, với nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp của Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của báo chí Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: Huỳnh Văn Tiểng sớm “bén duyên” với báo chí. Ngay từ lúc trẻ, ông đã có những bài báo đấu tranh chống áp bức, cường quyền, thực dân xâm lược. Bên cạnh báo chí, Huỳnh Văn Tiểng có những đóng góp lớn trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.
Năm 1946, ông nhận quyết định về làm Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đóng ở Quảng Ngãi. Tại đây, ông trực tiếp viết bình luận (cả tiếng Việt và tiếng Pháp) cho nhiều chương trình của Đài. 20 năm công tác tại Đài từ năm 1955 đến 1975, ông cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên xây dựng, phát triển hoạt động của Đài về mọi mặt.
Bộ phim tài liệu về Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng được chiếu tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: VTC News) |
"Lớp nhà báo cao niên ở Đài Tiếng nói Việt nam vẫn thường nhắc nhớ về ông là người giản dị, gần gũi, hiền hòa mà ý tứ sâu sắc, cẩn trọng khi biên tập bài vở của phóng viên, nhất là những phóng viên người miền Bắc viết về miền Nam. Ông là tấm gương sáng để những người làm báo hôm nay học tập về tinh thần làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung; trách nhiệm trong từng con chữ, tin bài, chương trình", nhà báo Kỷ nói thêm.
Xuất hiện trên chiếc xe lăn trong buổi tọa đàm, bà Nguyễn Tố Uyên (vợ của cố nhà báo Huỳnh Văn Tiểng) nghẹn ngào cảm ơn Hội Nhà Việt Nam đã nhớ đến và tổ chức buổi tọa đàm ý nghĩa này.
Nhắc đến người chồng đáng kính của mình, bà Nguyễn Tố Uyên cũng nhấn mạnh: “Anh Huỳnh Văn Tiểng của chúng tôi mất đã 10 năm, sự nghiệp mà anh để lại là bài học trung thành với Đảng, tình yêu với sự nghiệp cách mạng từ tuổi hai mươi đến khi rời khỏi cõi đời, anh để lại lòng yêu mến của tuổi trẻ cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân, cho sự nghiệp làm báo với tấm lòng và nhiệt huyết cách mạng. Anh mất đã lâu mà các đồng chí, đồng nghiệp vẫn còn nhớ làm chúng tôi bồi hồi, xúc động...”
Ngoài ra, buổi tọa đàm này còn như một hoạt động tri ân, một cơ hội để thế hệ trẻ hiểu thêm và học tập ở các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng sinh ngày 10 tháng 10 năm 1920 tại Củ Chi, TP. HCM. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, khi mới 16 tuổi, trong phong trào sinh viên yêu nước, nổi tiếng với những ca khúc cách mạng trong nhóm Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước).
Ông là Đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa V, nguyên giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Nam bộ, nguyên Phó Tổng Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam, Nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hơn 20 năm. Ông là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng.