Buổi biểu diễn mới nhất diễn ra một ngày trước lễ kỷ niệm 75 năm buổi hòa nhạc lịch sử khi nhà hát La Scala mở cửa trở lại vào năm 1946 sau khi bị ném bom trong Thế chiến II.
Các nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn được chào đón bằng những tràng pháo tay vang dội và những lời khen "Bravos!" từ 500 khán giả may mắn được tới dự khán buổi hòa nhạc.
“Thật là một cảm xúc khó tả khi có thể một lần nữa hít thở bầu không khí mà chỉ công chúng mới có thể mang lại cho chúng tôi,” nghệ sĩ violin Laura Marzadori hào hứng chia sẻ. "Tôi hy vọng đây là một khởi đầu mới và chúng ta sẽ không dừng lại sau những tháng im lặng buồn bã này."
Nghệ sĩ kèn clarinet Stefano Cardo gọi đây là "một sự tái sinh kép", như nhạc trưởng huyền thoại Arturo Toscanini đã mở nhà hát La Scala sau chiến tranh "và chúng tôi đang cố gắng hồi sinh nó sau đại dịch".
“Chúng tôi đã trình diễn nhiều buổi hòa nhạc bằng cách phát trực tuyến, nhưng nó vẫn là ảo, ở đây thì khác, nhờ có công chúng, đây là khoảnh khắc xúc động mãnh liệt với chúng tôi", ông Cardo nói.
Hơn 1220.000 người Ý đã qua đời do đại dịch COVID-19. Tới ngày 26/4, chính phủ nước này đã cho phép mở cửa các rạp chiếu phim và nhà hát. Theo quản lý La Scala, đã có tổng cộng 144 nhân viên nhà hát đã mắc COVID-19, trong đó có 64 nghệ sĩ trong dàn đồng ca.
"Thật là kỳ diệu khi được chứng kiến các buổi công chiếu lớn trở lại", bà Pia Matteoni - một trong số 500 khán giả, chia sẻ.
Ông Dominique Meyer, giám đốc nhà hát La Scala cho biết: "Tôi chắc chắn rằng với sự trở lại của khán giả tại La Scala, sẽ có những giọt nước mắt vui mừng".
Mở đầu buổi biểu diễn là điệp khúc "Patria Oppressa" ("Tổ quốc bị áp bức") từ vở "Macbeth" của nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi.
Ra mắt nhà hát La Scala hôm thứ Hai là giọng nữ cao người Na Uy, Lise Davidsen, 34 tuổi, mang đến những diễn giải cảm động về các khúc hát aria từ "Tannhaeuser" của Wagner, "Ariadne auf Naxos" của Richard Strauss và "Queen of Spades" của Tchaikovsky.
Buổi hòa nhạc kết thúc với điệp khúc nổi tiếng của những người nô lệ, "Va, peniero", là điệp khúc từ vở opera Nabucco của Giuseppe Verdi.
“La Scala luôn là biểu tượng của người Milan và là thương hiệu nổi tiếng thứ hai của nước Ý, sau Ferrari", ông Dominique Meyer nói. “Nghịch lý thay, chính La Scala lại đưa ra tín hiệu cho sự hồi sinh của cả một đất nước, trong khi vào đầu cuộc khủng hoảng , người ta nói rằng văn hóa không phải là một hoạt động thiết yếu".