Đập Ruzizi ngập ngụa hàng nghìn chai, lọ và các loại rác nhựa khác trôi nổi từ hồ Kivu. Giám đốc sản xuất tại nhà máy thủy điện Ruzizi, Lievin Chizungu cho biết hồ Kivu nối liền với sông Ruzizi nên tất cả rác thải ở hồ đều đổ về đây.
Địa hình đồi núi và khí hậu mưa ở khu vực xung quanh thủ phủ Bukavu của tỉnh Nam Kivu tiếp giáp với hồ không giúp cải thiện tình hình. Theo kỹ sư Jovy Mulemangabo tại công ty điện lực quốc gia (SNEL) của CHDC Congo ở Nam Kivu, nước mưa cuốn theo rác thải vào hồ rồi từ đó đổ ra sông. Rác thải nhựa có thể được nhìn thấy ở độ sâu lên đến 14 mét dưới lòng sông. Các thợ lặn đã phải làm sạch lòng sông để các mảnh rác nhựa không làm tắc các tuabin, trong khi một nhóm nhân viên khác dùng sà lan để làm sạch bề mặt sông. Nếu rác thải bị mắc kẹt tại các tuabin, các thị trấn trong vùng sẽ bị mất điện.
Tuy nhiên, các nỗ lực dọn dẹp rác nhựa ở đập Ruzizi là chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Cuối tháng 1 vừa qua, một trong 4 cơ sở của nhà máy thủy điện Ruzizi đã bị hư hại vì các mảnh rác nhựa. Đến nay, tình hình vẫn chưa được khắc phục. Theo ông Chizungu, tác động là rất lớn. Nhà máy đã thiếu hụt 6,3 MW trong tổng số 30 MW cần sản xuất để cung cấp cho tỉnh Nam Kivu, tỉnh Bắc Kivu cũng như Burundi. Rác nhựa cũng đã làm hư hại máy phát điện tại nhà máy thủy điện Ruzizi 2, cách đó 25 km về phía Nam. Với thiệt hại ở cả hai nhà máy, sản lượng điện giảm 20 MW, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ mất điện ở Bukavu và Uvira.
Theo ông Chizungu, nâng cao nhận thức của người dân là bước đi quan trọng đầu tiên để giảm lượng rác nhựa ở hồ Kivu. Bên cạnh đó, chính quyền cần có hình thức xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi xuống hồ.
Để ngăn chặn tình trạng rác thải nhựa tràn ngập các hồ, đại dương và đất liền, trong tháng này, Liên hợp quốc đã khởi động đàm phán hiệp ước quốc tế đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa. Gần 200 quốc gia dự Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) ở thủ đô Nairobi của Kenya đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ để đàm phán và đến năm 2024 sẽ hoàn thiện một hiệp định về rác thải nhựa mang tính ràng buộc pháp lý. Hiệp định sẽ bao quát toàn bộ vòng đời của mọi vật chất làm bằng nhựa và có thể bao gồm những quy định mới về sản xuất, tái thiết kế sản phẩm để thuận tiện hơn cho việc tái sử dụng, dùng lâu bền và phân hủy tốt hơn.