Ngày Rằm tháng Giêng cũng là ngày thơ Việt Nam, ngày này năm Kỷ Sửu 2009 các nhà thơ Chim Trắng (1938 - 2011), Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca, Phan Hoàng ngồi lại với nhau để cho ra quỹ Tình thơ với mục đích trợ giúp các nhà thơ trong việc ấn hành tác phẩm cũng như trong đời sống. Các nhà thơ thường lơ mơ khi bỏ tiền túi in xong một cuốn sách thơ nhưng không biết phát hành cách nào ngoài con đường đem tặng. Để chia sớt gánh nặng tài chính với các nhà thơ, quỹ Tình thơ đã tiến hành mua sách giúp các nhà thơ tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người. Nhờ sự trợ giúp này, nhiều nhà thơ đã không phải lo tính toán việc lỗ lời khi in thơ chỉ toàn đem... biếu trọn.
Quỹ Tình thơ do nhà thơ Chim Trắng làm cố vấn và điều hành bởi các nhà thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca, Phan Hoàng nhưng người trong giới biết rằng tất cả tài chính để thực hiện việc này do một mình Lâm Xuân Thi đảm trách. Xét về tài chính, Lâm Xuân Thi là nhà thơ có cơ sở kinh tế ổn định hơn các đồng nghiệp còn lại, khi anh là chủ thương hiệu xe đạp Martin 107 nổi tiếng với lứa tuổi sinh viên, học sinh trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Lâm Xuân Thi lại là người ít chịu xuất hiện trước công chúng vì nhiều lý do tế nhị. Trong đó, ông cho rằng xuất hiện không khéo dễ gây hiểu lầm là mượn thơ để đánh bóng công việc làm ăn. Tiếp xúc gần với nhà thơ có vóc người thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn này mới hiểu thêm, ông tách bạch rất rõ công việc làm ăn và quỹ Tình thơ như thể đã làm thì không chơi và đã chơi thì không làm. Quỹ Tình thơ là nơi để các nhà thơ chơi với nhau, đến với nhau khi đồng nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống.
Với thơ, Lâm Xuân Thi xem đó như duyên nợ lặng thầm chỉ có thể cất lên tiếng nói trong thẳm sâu tâm hồn hơn là trở thành các phát ngôn. Năm 1990 ông từng đoạt giải thơ hay trên báo Văn nghệ TP.HCM khi tuổi đời còn rất trẻ. Mến tài bạn viết trẻ Lâm Xuân Thi, khi Thi gặp khó khăn, nhà thơ Chim Trắng - TBT Văn nghệ TP.HCM lúc đó đã nhường hẳn căn hộ của ông ngay trung tâm quận 1 để Thi ở. Cũng từng được đón nhận tình thơ từ bậc đàn anh Chim Trắng, nên sau này khi kinh doanh thành công, Lâm Xuân Thi muốn gửi lại chút tình thơ cho những đồng nghiệp từng gặp khó như mình là điều dễ hiểu của người sống có tình biết trước biết sau.
Dù từng đoạt giải thơ hay báo Văn nghệ TP.HCM khi còn rất trẻ, thời đó các cuộc thi thơ trên tờ báo này rất uy tín về chất lượng, nhưng đến nay nhà thơ Lâm Xuân Thi vẫn chưa xuất bản tập thơ riêng nào. Hỏi thì ông khiêm nhường nói do thơ chưa hay, thơ hiền quá, thơ ngắn quá... để tránh né việc in tập thơ cho riêng mình. Phải chăng như một bài mà Lâm Xuân Thi tự bạch: “Thà để anh làm một kẻ vô danh / Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng / Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm / Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân".
Khi thành lập quỹ Tình thơ, Lâm Xuân Thi và các cộng sự mong muốn sẽ có nhiều người cùng góp sức để cái tình của thơ được lan toả rộng hơn. Nhưng có lẽ thơ là điều gì đó vừa cao đẹp lại quá khó khăn nên đến nay chỉ có chừng ấy thành viên vận hành quỹ Tình thơ. Đến như việc mua sách thơ cũng phải dừng lại vì đầu ra bế tắc. Sách thơ mua về được dùng làm quà tặng cho khách yêu thơ nhưng dường như ngay cả tặng không vẫn ít người mặn nồng với món quà tinh thần này.
Hiện quỹ Tình thơ chỉ dừng ở hỗ trợ các nhà thơ gặp khó khăn trong cuộc sống như già yếu, bệnh tật... Còn nhớ Lâm Xuân Thi từng ấp ủ một giải thưởng dành cho thơ nhưng vì nhiều lý do không thể thực hiện được. Thay vào đó, quỹ Tình thơ sẽ trao thêm quà cho những tác giả có tác phẩm đoạt giải. Mới đây, quỹ Tình thơ đã trao thêm quà cho nhà thơ Cao Xuân Sơn khi tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ của ông đoạt giải Hội Nhà văn TP.HCM.
Vẫn lưu truyền câu “văn mình vợ người”, nhưng với Lâm Xuân Thi và quỹ Tình thơ trong một con giáp qua, đã chứng minh điều ngược lại, rằng các nhà thơ không thương nhau, không yêu quý thơ thì đợi đến bao giờ mới được người đời để tâm đến.