Đọc “Hẹn nhau từ muôn kiếp trước”, trong số 36 chuyện tình văn nghệ sĩ, có mối tơ duyên “bên tình, bên hiếu” của cô giáo Vũ Bội Trâm, người vợ tảo tần của tiên sinh Phùng Quán. Mối tình đi qua biến đổi của thời gian, vượt qua thăng trầm của đời người vẫn vẹn tròn thuỷ chung. Để âu yếm, để ngọt ngào, để mềm nhũn trong những vần thơ “Trời đã sinh ra em/ Ðể mà xinh mà đẹp/ Trời đã sinh ra anh/ Ðể yêu em tha thiết” (Hôn ) Hay “Khách tình yêu xưa nay ít lễ độ/ Bước vào buồng tim chẳng gõ cửa bao giờ...” (Yêu em ).
Hình ảnh cô giáo Vũ Bội Trâm trở thành một biểu tượng độ lượng và vị tha trong thơ Phùng Quán. Người đọc có thể cảm nhận biểu tượng này thật gần hơn khi lật những trang chuyện tình “Phùng Quán đi qua tuổi thơ dữ dội để có một đám cưới đơn sơ”.
Đọc “Hẹn nhau từ muôn kiếp trước”, trong số 36 chuyện tình văn nghệ sĩ, hiểu thêm về chuyện tình “đào - kép” cải lương ngày trước của nghệ sĩ Mỹ Châu. Khi bức màn nhung mở ra, cô gái nhỏ bé Mỹ Châu diễn trọn vai diễn của mình, cho đến khi màn nhung khép lại, khép luôn cả mối tình chớm nở với người bạn diễn, đàn anh – nghệ sĩ Minh Phụng.
Có lúc thấy sao vô tình, khắc nghiệt “Con nên nhớ là đã bước vô nghề này thì phải đi tới nơi về tới chốn. Đừng vì chuyện yêu đương này nọ mà buông xuôi, bỏ dở sự nghiệp, ở dưới quê người ta cười con!”
Nhưng rồi, sau hết mới hiểu tấm lòng người mẹ “Vú không muốn con lấy chồng, vì con giống Vú, quá bền lòng chặt ý với một người, quá thuỷ chung. Nếu con gặp người vô chung vô thuỷ thì con sẽ khổ. Vú không muốn con khổ như thế, chứ không phải không cho phép con lấy chồng!”. - “Mỹ Châu - tơ duyên sau bức màn nhung sân khấu” gấp lại rồi, mà lòng cứ da diết mãi không nguôi.
Độc giả có thể tìm đọc “Hẹn nhau từ muôn kiếp trước" tại các nhà sách, các hệ thống bán sách online trên cả nước. Sách do nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM ấn hành.
Có những người tình ta sẽ không cách nào quên được, có những ngươi tình ta sẽ không bao giờ gặp lại được. Những người yêu nhau vẫn tưởng rằng thời gian sẽ phai mờ ký ức, nhưng thời gian còn có nghĩa là mãi mãi không thể nào quên. Mà thông thường, ký ức càng rõ nét thì càng buồn bã. Ấy là khi bắt gặp những lời tự sự, những câu hỏi bỏ ngỏ của nhạc sĩ Thanh Bình viết cho mối tình đầu dang dở nhưng ám ảnh suốt cuộc đời của ông. "Con đường mình đi sao chông gai/ Bước vào đời nhau bao lâu nay/ Em ơi, em ơi! Sao đắng cay…”
Bìa sách "Hẹn nhau từ muôn kiếp trước" của tác giả Lê Thiếu Nhơn. |
Trên thế gian này có bao người yêu nhau, cưới nhau, rồi ly hôn? Có bao nhiêu cặp đôi bên nhau, chia tay, rồi quay lại?... Dẫu hợp hay tan, dẫu viên mãn hay đổ vỡ, âu cũng là một mối duyên nợ dường như đã được định sẵn trong kiếp người.
Duyên số sắp đặt cho mỗi người may mắn hiện diện trên cõi đời những chuyện tình khác nhau. Các văn nghệ sĩ cũng vậy, cũng không ngoài chữ duyên. Họ yêu, yêu mãnh liệt, yêu tha thiết! Và bằng cách riêng của mình lưu giữ tình yêu.
Đó là những cuộc hạnh ngộ không đoán định trước, đó là những dan díu choáng ngợp vòng tay, đó là những đớn đau bởi sau tất cả mới ngỡ ngàng hoá ra chỉ là ngộ nhận, đó là những đổ vỡ ngơ ngác, đó là những chia ly hốt hoảng, đó là những trùng phùng nghẹn ngào, đó là những hồi ức, là những dư âm mãi mãi không phôi phai...
Hẹn em từ muôn kiếp trước/ Nhớ em mấy thuở bạc đầu/ Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn/ Em để cung đàn đưa anh về đâu?... Lời bài hát Dư Âm của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã thành cảm hứng cho tác giả Lê Thiếu Nhơn thực hiện cuốn sách “Hẹn nhau từ muôn kiếp trước - 36 chuyện tình văn nghệ sĩ” với mục đích đầu tiên là nuôi dưỡng sự lãng mạn trong tâm hồn, và nếu may mắn, sẽ có được sự đồng cảm của những người xung quanh.
“Biết yêu và được yêu là một phúc phận trên nhân gian. Yêu một cách say đắm, yêu một cách ngây ngô, yêu một cách dại khờ, yêu một cách lạc lối… vẫn không phải lỗi lầm đáng trách móc hay đáng chê bai. Bởi lẽ, nhiều thứ lấp lánh và nhiều thứ khoa trương ở cõi đời rồi cũng tan biến theo cát bụi, còn chân tình ngỡ không âm thanh ngỡ không hương vị thì mãi mãi được truyền tụng, mãi mãi được tôn thờ.”- Lê Thiếu Nhơn