Nha Trang – một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, cũng là một trong các điểm du lịch biển được yêu thích hàng đầu Việt Nam. Những năm trở lại đây, cùng với Mũi Né - Phan Thiết, Nha Trang trở thành điểm du lịch rất được yêu thích với du khách Nga. Gần đây lượng khách Trung Quốc đổ bộ vào Nha Trang tăng lên một cách đột biến. Theo số liệu của Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch tỉnh Khánh Hòa, năm 2015 có 974.546 lượt khách quốc tế đến Nha Trang, tăng 115,02% so với năm 2014.
Mặc dù lượng khách tăng, nhưng chất lượng du lịch có đáp ứng sự tăng trưởng đó hay không, nhằm phát triển du lịch một cách bền vững lại là một câu hỏi cần có lời giải. Trên thực tế, du lịch Nha Trang đang tồn tại hàng loạt vấn đề từ vĩ mô đến vi mô sau như sau:
Lôm côm từ kiến trúc khách sạn
Xin chớ vội đánh giá Nha Trang như một thiên đường du lịch; ở thời điểm hiện tại, Nha Trang đang như một thiên đường đối với các công ty xây dựng. Đâu đâu cũng thấy các công trình xây dựng mới được khởi công: từ khách sạn 4, 5 sao, cho đến 2,3 sao, thôi thì đủ cả. Trăm hoa đua nở. Nha Trang đang đón nguồn đầu tư mạnh vào lĩnh vực khách sạn từ các tập đoàn quốc tế, trong nước, Việt kiều và các nhà đầu tư nhỏ lẻ - phần lớn trong số họ đến từ Hà Nội. Các công trình khách sạn mới được xây lên, kết hợp với các khách sạn có trước đó, tạo nên một bức tranh nham nhở, thiếu hài hòa. Trên thế giới, khi xây dựng thành phố, bao giờ người ta cũng có bản quy hoạch tổng thể, theo đó, công trình thuộc hạng mục nào thì được cấp phép xây dựng trên vị trí đất quy hoạch đó. Việt Nam ta không thế: quy hoạch xây dựng mang tính chất chắp vá, manh mún. Việc xây dựng khách sạn ở Nha Trang càng thế. Mảnh đất nào đủ rộng thì khách sạn 4 sao được xây lên, mảnh nào nhỏ hơn thì 3 sao, 2 sao. Các khách sạn chen chúc nhau đến rối mắt.
Nha Trang – thiên đường cho các công ty xây dựng.
Việc khách sạn xây dựng sau che hướng nhìn (view) của khách sạn trước rất phổ biến. Có thể kể ra đây hàng loạt ví dụ. Khi khách sạn Balcony được xây lên, nó đã che khuất toàn bộ mặt tiền và tầm nhìn hướng biển của khách sạn Golden Time. Khách sạn Edele mọc lên, biến 28 phòng của khách sạn Galliot được xây dựng trước đó thành các phòng không có cửa sổ. Chung số phận đó, 22 phòng của khách sạn Hanoi Golden bị khách sạn Rosaka che toàn bộ cửa sổ… Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa. Đây là điều hết sức tệ hại và đáng tiếc, bởi hầu hết du khách quốc tế đều không chấp nhận ở trong căn phòng không có cửa sổ. Các phòng không có cửa sổ hầu như không bán được. Trong khi ở nước ngoài, các ông chủ sẽ không xây dựng khác sạn trên toàn bộ quỹ đất mà mình có, họ sẽ chừa lại một phần đất xung quanh làm các công trình phụ trợ, nếu chẳng may có công trình liền kề mọc lên, khách sạn vẫn còn hướng sân vườn để khách có thể nhìn ra. Ở Nha Trang thì không thế, cũng bởi tất đất tấc vàng mà các chủ khách sạn đã tận dụng tối đa quỹ đất mình có để xây dựng, dẫn đến tính trạng sản phẩm du lịch bị mất giá…
Khách sạn Balcony che khuất toàn bộ mặt tiền của khách sạn Golden Time.
Ở nước ngoài, mỗi khách sạn có một thiết kế riêng của nó. Thậm chí có khách sạn trở thành một biểu tượng kiến trúc cho một thanh phố. Thử hỏi chúng ta có thể tìm thấy một khách sạn có kiến trúc độc đáo tương tự như thế ở Nha Trang không? Câu trả lời là hầu như không có!
Khách sạn Delphil Palace tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ - một công trình kiến trúc không lẫn vào đâu được.
Đầu tư manh mún
Nguyên nhân chính dẫn trến tính trạng kể trên, ngoài việc thiếu một quy hoach vĩ mô từ cấp chính quyền, cách thức đầu tư manh mún chính là nguyên nhân. Hẳn nhiên, với một nhà đâu tư nhỏ lẻ, việc đầu tư vào một khách sạn lớn là quá sức. Trong trường hợp này, với các nhà đầu tư trên thế giới, họ sẽ ngồi lại với nhau theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung” để thành lập công ty cổ phần, cùng đầu tư một sản phẩm tầm cỡ. Đàng này mạnh ai nấy làm. Quỹ đất bị chia năm sẻ bảy. Khách sạn mới che view của khách sạn cũ. Khi được hỏi, hầu hết các chủ khách sạn ở Nha Trang (mà trong số họ hầu hết là các nhà đầu tư cá nhân) đều trả lời, là tâm lý chung của họ không muốn “chung chạ” với ai hết, bởi chẳng ai tin ai. Đầu tư manh mún khiến miếng bánh du lịch Nha Trang bị cắt một cắt nham nhở, không thương tiếc.
Có mới nới cũ
Việc làm du lịch thiếu tầm nhìn, làm du lịch theo kiểu ăn xổi khó lòng khiến du lịch Nha Trang phát triển một cách bền vững. Nước láng giềng Thái Lan có chiến lượng biến mình thanh một trong năm điểm đến hàng đầu trên thế giới trong 20 năm tới. Trên bình diện quốc gia, Việt Nam không đề ra cho mình một tầm nhìn đầy tham vọng như thế, nên việc thiếu một tầm nhìn dài hạn cho một thành phố du lịch biển như Nha Trang cũng không phải là chuyện lạ. Du lịch ở đây đang được phát triển theo kiểu có mới nới cũ. Nghĩa là khi một thị trường mới được mở ra, thị trường truyền thống sẽ bị xem nhẹ hơn, thậm chí bị lãng quên. Vài năm trước, khi thị trường khách Nga phát triển mạnh mẽ, giống như Mũi Né, tất cả các biển hiệu ở Nha Trang được viết bằng tiếng Nga: từ khách sạn, nhà hàng, các trung tâm spa… Khi thị trường Nga bị giảm sút do nền kinh tế Nga bị khủng hoảng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nha Trang lại hào hứng đón dòng khách ồ ạt đổ bộ đến từ Trung Quốc. Và thế là, các biển hiệu tiếng Trung được mọc lên khắp nơi để mời gọi khách Trung. Nhìn vẻ bề ngoài có vẻ là tốt, nhưng nếu không cẩn thận, du lịch Nha Trang sẽ nếm trái đắng từ Trung Quốc. Bởi hàng ngàn năm nay, chơi với Trung Quốc chưa bao giờ là có hậu quả tốt đẹp về sau. Hiện tại các công ty du lịch đang đưa khách Trung Quốc vào Nha Trang bao gồm Silent Bay, Hoàng Trà, Khang Thái, Nha Trang Woan, … Số lượng dự kiến sẽ còn tăng thêm. Vấn đề là, vì lợi ích trước mắt, một số khách sạn “ưu tiên” dành thị phần phòng ốc cho thị trường khách Trung Quốc. Lý do đơn giản là, giá phòng bán cho thị trường Trung Quốc đang cao hơn các thị trường khác. Đơn cử như khách sạn Starcity nơi được cho là 90% công suất phòng đang dành cho khách Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, qúy I năm 2015, có 21.873 khách Trung Quốc đến Nha Trang, quý I năm 2016, lượng khách Trung Quốc đế Nha Trang là hơn 112 nghìn khách, tăng hơn 500% với với cùng kỳ năm trước.
Tiếng Trung đang trở nên phổ biến ở Nha Trang.
Để phát triển bền vững, các khách sạn nên giữ cân bằng tỉ lệ % giữa các thị trường (chẳng hạn bao nhiêu phần trăm khách nội địa, khách online, khách Âu, khách Nga, khách Trung Quốc…) . Bằng không, khi nguồn khách Trung Quốc bị chững lại (do bất kỳ yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội nào), các khách sạn sẽ bị động, thậm chí trở tay không kịp với sự sụt giảm đột ngột khi chỉ ưu tiên tập trung vào một thị trường nhất định nào đó.
Du khách Trung Quốc rất đông ở Nha Trang
Du lịch chộp giật
Để ăn theo các công ty lữ hành, các văn phòng bán tour mọc lên rất nhiều ở các con phố trung tâm Nha Trang. Thực tế, khách đến với Nha Trang có thể tham gia mua các tour tự chọn: như du lịch đảo, ngắm san hô, Yangbay, tắm bùn, đi Đà Lạt trong ngày… Các công ty lữ hành quốc tế khi đưa khách đến Việt Nam, cũng mong bán thêm được các tour tự chọn, như một phần thu nhập quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, khi các văn phòng bán tour phát triển rầm rộ, các công ty du lịch quốc tế gặp khó khăn trong vấn đề cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh một cách khốc liệt về giá. Các văn phòng bán tour chạy đua nhau giảm giá. Chẳng hạn, có thời điểm tour đi Đà Lạt được các công ty du lịch bán cho du khách với giá $70; văn phòng bên ngoài bán giá $25 – một sự cạnh tranh phá giá không lành mạnh. Một khi giá đã giảm, chất lượng dịch vụ cũng giảm theo. Kéo theo chất lượng du lịch không thể đảm bảo.
Nguồn nhân lực cần được nâng tầm
Nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở Nha Trang chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển của ngành này. Phát biểu trong một buổi hội thảo du lịch diễn ra tại Vinearl Resort với chủ đề về nguồn nhân lực du lịch, ông Bùi Xuân Lương, trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhận xét, nghiệp vụ của đội ngũ phục vụ du lịch trên địa bàn thực sự còn yếu. Thậm chí một số vị trí cấp trưởng phòng kinh doanh, hay giám đốc quản lý khách sạn còn không giao tiếp tốt bằng tiếng Anh được. Một đồng nghiệp người Thổ chia sẻ với tôi, bên Thổ Nhĩ Kỳ, các vị trí phục vụ trong các khách sạn đều phải qua một lớp đào tạo nghiệp vụ mới được nhận vào làm ở các vị trí tương đương. Ở Nha Trang thì không thế, nhiều người lao động thậm chí chưa từng trải qua một lớp học nghiệm vụ nào. Các bạn được nhận vào làm theo kiểu là “có cảm giác” sẽ đáp ứng được công việc. Hoặc do kinh nghiệm mà lên: chẳng hạn từ khuân vác hành lý, sau đó làm lễ tân, làm phòng kinh doanh, rồi lên trưởng phòng… Để có một đội ngũ phục vụ du lịch chuyên nghiệp, các lớp tập huấn nghiệp vụ bắt buộc để được cấp thể hành nghề cần được tổ chức, mới mong đáp ứng được cho sự phát triển ngày càng mạnh của du lịch Nha Trang.
Vai trò của Hiệp hội du lịch địa phương
Quay lại câu chuyện phá giá ở trên, việc phá giá sẽ không xảy ra nếu có sự can thiệp của Hiệp hội du lịch địa phương. Dịp tham quan bên Thổ Nhĩ Kỳ tôi được chứng kiến, tất cả các văn phòng bán tour phải theo một khung giá chung. Họ sẽ không được phép giảm giá thấp hơn khung giá quy định. Cái cạnh tranh nhau giữa các văn phòng bán tour, đó là chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ. Có như thế chất lượng du lịch mới được đảm bảo. Tuy nhiên tiếng nói và vai trò của Hiệp hội du lịch ở địa phương là vô cùng mờ nhạt. Chẳng hạn, người ta vẫn thấy các hướng dẫn viên người nước ngoài, tất nhiên là không có thẻ hành nghề, vẫn ngang nhiên thuyết minh tại các điểm tham quan, cũng như đồng hành với các đoàn khách quốc tế tại Nha Trang… mà Hiệp hội du lịch không hề có tiếng nói phản đối.
Với tính hình hiện tại, Nha Trang vẫn là điểm phát triển du lịch đầy kỳ vọng trong tương lai gần. Nhất là khu du lịch Bãi Dài Cam Ranh đang được quy hoạch, xây dựng. Tuy nhiên, để có một nền du lịch phát triển bền vững, rõ ràng có rất nhiều cần phải được thực hiện và hoàn thiện, trước nhất là quy hoạch ở cấp độ vĩ mô, cách thức làm du lịch cũng như nguồn nhân lực để phục vụ du lịch. Có như thế du lịch Nha Trang mới phát triển bền vững và mới phát huy được các lợi thế trời cho mà các điểm đến khác không có được.
Trung Tính