Nhà văn viết về Bác Hồ thành công nhất
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên Thủ đô. Sau khi Hà Nội giải phóng, ông đi học đại học, rồi làm phóng viên Báo Nông nghiệp, sau lại sang làm phóng viên Báo Tiền phong. Năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam Bộ, thành lập và phụ trách tờ Báo Thanh niên Giải phóng.
Năm 1971, ông bị thương rất nặng, mảnh đạn M79 găm khắp thân thể, chấn thương sọ não, vỡ xương vai, nửa người bên phải hầu như bị liệt không đi lại được, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, tay phải co quắp, tay trái đạn cắt mất chỉ còn hai ngón, thị lực còn 1/10, tai bị rách phải khâu lại không biết bao nhiêu lần, trí nhớ sụt giảm…
Sau chiến tranh giải phóng dân tộc, Nhà văn Sơn Tùng là thương binh hạng 1/4, nặng nhất theo thang bậc thương binh ở Việt Nam, xuất ngũ với 14 vết thương trên mình và vẫn còn ba mảnh đạn găm trong sọ não không thể phẫu thuật gắp ra được, tổn thương 81% sức khỏe…
Bệnh tật và những vết thương hành hạ hàng ngày, nhưng ông kiên cường làm việc, với sự hỗ trợ tận tụy như một thư ký của vợ - bà Phan Hồng Mai. Bà vốn là một y tá, từng chữa trị cho ông từ mặt trận. Nhà văn Sơn Tùng vẫn tiếp tục cầm bút với vai trò là phóng viên cho các tờ báo và là cây bút chuyên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc.
Mặc dù tay bị co quắp, cầm bút vô cùng khó khăn, nhưng từ năm 1974 đến nay, Nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện.
Trong sự nghiệp văn học của mình, Nhà văn Sơn Tùng đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được đánh giá là người viết về Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất. Đến nay, ông có tới hơn chục tác phẩm viết về Bác Hồ, với một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, những mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ… Có thể kể đến một số tác phẩm mà Nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ như “Búp sen xanh”, “Từ làng Sen”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Bác về”, “Bông sen vàng”, “Bác ở nơi đây”, “Hoa râm bụt”...
Trong số các tác phẩm Nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ, tiểu thuyết “Búp sen xanh”, viết về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi đôi mươi của Người là nổi tiếng nhất. Cuốn sách ra mắt lần đầu năm 1982. Tới nay, tác phẩm đã được tái bản hơn 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đến nay, “Búp sen xanh” vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam kể lại một cách chân thực, cảm động và trọn vẹn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1987, các nhà làm phim đã tìm gặp Nhà văn Sơn Tùng, đề nghị hợp tác làm phim truyện về Bác Hồ, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/1990). Nhà văn Sơn Tùng đã chuyển thể tiểu thuyết “Búp sen xanh” thành kịch bản văn học “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”. Ở kịch bản này, tác giả vẫn giữ nguyên những nội dung cơ bản của “Búp sen xanh”, nhưng ông đã chủ ý khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái miền Nam Lê Thị Huệ (Út Huệ) với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Tình cảm này được nhen lên từ thời kỳ Nguyễn Tất Thành còn là học sinh Trường Quốc học Huế, cho tới khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
Kịch bản được đưa lên màn ảnh năm 1990, đạo diễn Long Vân đổi tên thành phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Và từ đó đến nay, đây vẫn được coi là một trong những tác phẩm mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhà văn Sơn Tùng còn viết về một số nhân vật cách mạng khác như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Ông còn có một số sáng tác khác như "Lõm", viết năm 1976, in lần đầu năm 1994; "Trái tim quả đất", viết năm 1988, in lần đầu năm 1990…
Năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng Nhà văn Sơn Tùng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Một nghị lực phi thường
Nhà văn Sơn Tùng không chỉ nổi tiếng bởi tác phẩm ông để lại mà ông đặc biệt được mọi người biết đến, kính trọng bởi nghị lực phi thường và nhân cách cao đẹp. Những ai đã từng gặp hoặc biết về Nhà văn Sơn Tùng đều có chung nhận định, ông là một anh hùng, cả về nhân cách và phẩm giá con người, một tấm gương lớn về ý chí sống và sức sáng tạo.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Nhà văn Sơn Tùng là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, Nhà văn Sơn Tùng đúng nghĩa là một nhà văn chiến sỹ, người đại diện cho vẻ đẹp và khí phách của các nhà văn cách mạng. Theo Nhà thơ Hữu Thỉnh, qua những lần gặp Nhà văn Sơn Tùng, qua cách mà Nhà văn Sơn Tùng kể về Bác Hồ với một niềm say mê, kính trọng, ông có thể cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Nhà văn Sơn Tùng dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc ta. Có lẽ vì thế, những tác phẩm mà Nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ đều rất chân thật, xúc động và giá trị.
Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái viết về Nhà văn Sơn Tùng với một sự kính trọng: Sau mỗi trang văn để đời là tâm huyết, là máu và mồ hôi, nước mắt được Nhà văn Sơn Tùng chắt chiu chưng cất bằng lửa nóng của một nhân cách lớn. Ông đến với văn chương để chở đạo cuộc đời, để góp cho cuộc đời ánh sáng văn hóa, ánh sáng của lòng yêu thương con người…
Còn Nhà văn Thiên Sơn (cháu gọi Nhà văn Sơn Tùng bằng bác) lại nhắc đến câu nói được Nhà văn Sơn Tùng nhấn mạnh trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”: “Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù”. Theo Nhà văn Thiên Sơn, đây có lẽ là thông điệp quan trọng trong đời cầm bút của Nhà văn Sơn Tùng. Hay nói cách khác, văn chương chống lại sự bất nhân, độc ác, lầm lạc, bội phản của con người.
“Nhà văn Sơn Tùng lặng lẽ làm việc trong nghèo khó, trong cảnh vết thương hành hạ hàng ngày. Như một người leo núi, ông lặng lẽ nhích từng chút, từng chút về cái đích mà ông hướng tới”, Nhà văn Thiên Sơn chia sẻ.
Theo đánh giá của Nhà văn Thiên Sơn, trong các sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà văn Sơn Tùng là một người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, mối quan hệ của Người thời trẻ. Hệ thống tư liệu ấy cùng với ngòi bút khắc tạc nghiêm cẩn và tài tình của ông đã làm sống lại không chỉ hình tượng vĩ nhân mà còn gợi mở thêm tư liệu quý về những thời khắc lịch sử đầu thế kỷ XX. Các trang sách của ông đã làm sống dậy những nét tinh hoa văn hóa cổ truyền, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta…
Nhà văn Sơn Tùng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tấm gương về cuộc đời ông và tác phẩm quý báu của ông sẽ sống mãi với dòng chảy văn học, sống mãi trong lòng độc giả và những người yêu mến ông.
Xin vĩnh biệt Nhà văn Sơn Tùng - một con người đặc biệt, một nhà văn đặc biệt - con người phi thường, tấm gương lớn về ý chí sống và sức sáng tạo.