Nhân viên vay Mcredit lãi suất 45%/năm: Giám đốc, đối tác và cả cán bộ phường bị đòi nợ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Liên tục trong ba ngày từ 3/6 – 5/6, vợ chồng tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại quấy rối, cứ 30 giây là có một cuộc mặc dù không liên quan gì đến việc vay tiền của nhân viên cũ với Mcredit”, ông P.T.D, Giám đốc Công ty G.K nói với Phóng viên Ngày Nay.

Lãi suất 45%/năm

Trong phần trả lời chất vấn về tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, đe dọa..., Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát, đánh giá có các tổ chức xuất hiện loại hình cho vay qua app hoặc qua website và đang xây dựng hành lang pháp lý”.

Cách đây ít ngày, Giám đốc Công ty G.K bức xúc đăng lên Facebook cá nhân phản ánh bị số điện thoại lạ quấy rối nhiều ngày liền với những lời lẽ khiếm nhã, hăm doạ và yêu cầu nhân viên cũ là L.Q.K trả nợ ngân hàng.

L.Q.K, quê Đồng Tháp, từng là nhân viên tại Công ty G.K có cửa hàng kinh doanh hoa tươi trên đường Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM). Cuối năm 2021, nam nhân viên đột ngột xin nghỉ việc về quê không rõ lý do. Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh ổn định, việc buôn bán của Công ty G.K cũng hồi phục nên Giám đốc gọi điện đề nghị K. trở lại TP.HCM làm việc.

Thế nhưng, khi nhân viên cũ vừa lên thành phố được hơn một tuần thì câu chuyện quấy rối để đòi nợ từ số điện thoại lạ kể trên bắt đầu. Giám đốc Công ty G.K liên hệ với K. và gia đình để tìm hiểu sự việc đồng thời yêu cầu cung cấp hồ sơ vay vốn để đối chứng thông tin. Lúc này, K. mới thuật lại đầu đuôi sự việc.

Nhân viên vay Mcredit lãi suất 45%/năm: Giám đốc, đối tác và cả cán bộ phường bị đòi nợ ảnh 1

Hợp đồng vay tiền giữa K. và Mcredit với lãi suất lên đến 45%/năm.

Vào tháng 9/2020, K. ký hợp đồng vay của Công ty Tài chính MB Shinsei (gọi tắt là Mcredit, có trụ sở chính tại Hà Nội) chi nhánh tại Đồng Tháp số tiền hơn 14,7 triệu đồng để tiêu dùng cá nhân trong thời hạn 18 kỳ trả nợ, sản phẩm vay mang tên CS MBIKE 45 với lãi suất vay trong hạn là 45%/năm. Số tiền thực vay của K. là 14 triệu đồng, hơn 700 nghìn đồng còn lại là số tiền phí Bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.

Sau khi hợp đồng được ký kết, nam nhân viên đã ra bưu điện nhận tiền mặt. Ngoài ra, trong hợp đồng vay vốn giữa K. và Mcredit thể hiện, số tiền vay sẽ được giải ngân theo 2 hình thức là: chuyển khoản vào tài khoản của bên vay tại ngân hàng TMCP Quân đội (MB) hoặc nhận tiền mặt qua đại lý chi hộ của Mcredit là Viettel/Vnpost.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, K. mất khả năng chi trả sau khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ được khoảng 10 tháng. Trao đổi với Phóng viên Ngày Nay vào ngày 8/6, Giám đốc Công ty G.K cho biết, đến thời điểm này, số tiền cả gốc lẫn lời mà K. còn thiếu phía Mcredit là khoảng 36 triệu đồng.

Tại thời điểm Phóng viên đến tìm hiểu câu chuyện, K. chỉ lặng lẽ làm việc và ngại tiếp xúc, có lẽ do mặc cảm. Mặc dù bị quấy rối ảnh hưởng uy tín của bản thân lẫn công ty nhưng thương tình nhân viên cũ khó khăn, Giám đốc Công ty G.K vẫn đồng ý để K. ở lại làm việc, vừa có chỗ để mưu sinh vừa kiếm thu nhập trả nợ.

Nhân viên vay Mcredit lãi suất 45%/năm: Giám đốc, đối tác và cả cán bộ phường bị đòi nợ ảnh 2

Một số thông tin trên hợp đồng này.

Cả đối tác và cán bộ phường cũng bị quấy rối

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, mức lãi suất cao nhất tại BLDS là 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.

Ông P.T.D, Giám đốc Công ty G.K khẳng định hoàn không liên quan gì việc vay vốn của nhân viên cũ và Mcredit. “Ban đầu, khi bị quấy rối, tôi và vợ nghĩ là do các App cho vay trên mạng nên mới có việc gọi điện làm phiền liên tục như vậy. Đến lúc biết nhân viên cũ vay của Mcredit thì vô cùng ngạc nhiên, bởi Công ty tài chính này là liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội và Ngân hàng Shinsei (Nhật Bản). Từ lúc nhân viên vay đến trước khi vụ việc xảy ra, tôi không hề nhận được một cuộc gọi tham chiếu nào từ phía Mcredit, bây giờ bỗng dưng bị gọi điện đòi nợ.

Chưa hết, bằng một cách nào đó mà họ lại tìm được số điện thoại bạn bè, đối tác của tôi và liên tục quấy rối bằng phương pháp như vậy trong khoảng thời gian trên. Đáng nói, bạn bè tôi là những doanh nhân, có người còn là cán bộ quản lý nhà nước nhưng họ liên tục bị gọi điện làm phiền khiến cho uy tín cửa hàng kinh doanh chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn bè gọi điện hỏi sự việc, tôi giải thích nhưng thật sự rất ngại. Ai chịu trách nhiệm cho những tổn thất cá nhân và doanh nghiệp của chúng tôi?”, Giám đốc Công ty G.K phàn nàn.

Nhân viên vay Mcredit lãi suất 45%/năm: Giám đốc, đối tác và cả cán bộ phường bị đòi nợ ảnh 3

Tin nhắn đòi nợ được gửi đến ông T.Q.T

Trao đổi với Phóng viên, ông T.Q.T - là một doanh nhân, bạn của Giám đốc Công ty G.K nói rằng cảm thấy vô cùng phiền phức, mệt mỏi khi phải nhận những cuộc điện thoại đòi nợ “trời ơi đất hỡi”. “Việc này ảnh hưởng rất nhiều, họ gọi liên tục mà không xác định đối tượng. Ai làm người ấy chịu trách nhiệm, ai liên can thì liên can như thế nào, chứ không phải ai cũng liên can. Chỗ cho vay phải xác nhận rõ người nào tham chiếu, nhưng họ không xác nhận mà cho vay, cho vay rồi không quản lý và sau đó làm phiền những người xung quanh, bạn bè họ. Chỉ một tấm hình trên Facebook để kỷ niệm bạn bè thành ra trở thành đối tượng để công ty làm phiền. Vấn đề chưa hẳn là gọi bao nhiêu lần, nhưng lỡ đâu mình bỏ lỡ một cuộc điện thoại có tính chất quan trọng trong công việc thì rất là khó khăn, đang đi ngoài đường dừng lại nghe cũng rất nguy hiểm”.

Chưa dừng lại ở đó, một người bạn khác của Giám đốc Công ty G.K đang là cán bộ ở một phường trên địa bàn Quận 3 cũng liên tục bị gọi điện quấy rối, yêu cầu liên lạc với người vay để thông báo trả nợ. “Sau khi bị làm phiền, anh N.H.H gọi cho tôi hỏi rõ vấn đề tại sao lại để xảy ra việc này và có bảo lãnh để nhân viên vay nợ hay không. Tôi phải giải thích nhiều. Lúc số lạ gọi điện tới, ảnh phản ứng và nói rõ nhưng vẫn không ăn thua”. Phóng viên đã liên hệ, vị cán bộ phường xác nhận có sự việc nhưng vì đang ra sân bay đi công tác nên không thể cung cấp chi tiết hơn.

Giám đốc Công ty G.K cho biết: “Sau khi tôi phản ánh, có số điện thoại 0901.220.XXX gọi điện xin lỗi, cam kết sẽ loại bỏ tất cả số điện thoại liên quan, xin gỡ bài viết trên Facebook. Tuy nhiên, tôi cho rằng vụ việc cần được cảnh báo để mọi người biết cũng như các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý để chấm dứt tình trạng trên”. Liên hệ theo số điện thoại kể trên, một phụ nữ cho biết là nhân viên của Công ty Luật Đại Long, là đối tác của Mcredit. "Có gì anh liên hệ với Giám đốc Công ty giúp em... Nếu anh muốn phỏng vấn thì em sẽ hỏi ý kiến sếp chứ em không có nhiệm vụ trả lời".

Để làm rõ thông tin, Phóng viên đã nhiều lần gọi điện vào số hotline cũng như điện thoại cố định của Mcredit được giới thiệu trên website: mcredit.com.vn nhưng đều không có người nhấc máy.

Được thành lập từ năm 2016 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) là công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (thuộc MB Group) và Ngân hàng Shinsei (Nhật Bản), do ông Lê Quốc Ninh làm người đại diện pháp luật và có địa chỉ tại Hà Nội.

Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.