Ngày khai mạc gần đây tại một căn cứ quân sự Nhật Bản gần Tokyo là một sự kiện đông vui, nơi các gia đình vui vẻ tụ họp, nhưng các quầy tuyển quân vẫn vắng bóng người lui tới.
"Đây là sự thật. Lễ hội lúc nào cũng chật kín nhưng không có ai đến”, một trong hai người lính trực ban thú nhận.
Nhật Bản đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, do lo ngại trước sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc trong khu vực và tần suất các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, báo cáo của một nhóm chuyên gia hồi tháng 7 đã nêu bật nguy cơ “cực kỳ cao” rằng các lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ bị suy yếu vì thiếu nhân sự.
Mặc dù số lượng thay đổi từ năm này sang năm khác, nhưng kể từ năm 1990, nhân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đã giảm hơn 7% xuống còn dưới 230.000 quân nhân.
Vào năm 2022, có chưa tới 4.000 người đăng ký nhập ngũ, chỉ đạt hơn một nửa mục tiêu. Lần cuối cùng chỉ tiêu tuyển quân của Nhật Bản được đáp ứng là vào năm 2013.
Nhiều nền kinh tế tiên tiến đang gặp vấn đề trong việc tuyển dụng đủ quân nhân, tình hình đặc biệtnghiêm trọng ở Nhật Bản, nơi cứ 10 người thì có 1 người từ 80 tuổi trở lên.
Nhưng theo một số cựu quân nhân, nguyên nhân không chỉ là về vấn đề dân số già.
“Tôi rất xấu hổ khi phải nói rằng mình thuộc Lực lượng Phòng vệ. Điều đó chẳng khiến tôi tự hào chút nào”, theo Yuichi Kimura, 45 tuổi, một cựu lính nhảy dù hiện đang điều hành một công ty giúp đỡ các cựu quân nhân tìm việc dân sự.
Ông Kimura viện dẫn các nguyên nhân như “lương thấp” và tình trạng “thiếu tham vọng” của lực lượng vũ trang.
Nhiều người nhập ngũ với hy vọng giúp đỡ đất nước khi xảy ra thiên tai, nhưng lại thất vọng khi thấy mình đang thực hiện nhiệm vụ quân sự.
Kohei Kondo, 25 tuổi, một cựu trung sĩ, cho biết: “Hầu hết binh sĩ không hề nghĩ gì đến vấn đề quốc phòng khi họ gia nhập lực lượng”.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định chỉ tuyển dụng những ứng viên phù hợp nhưng theo truyền thông nước này đưa tin, các tiêu chuẩn đã giảm sút, bao gồm cả vấn đề kiểm tra tâm lý.
Vào tháng 6, hai người đã bị một tân binh sát hại trong một vụ nổ súng tại trường bắn của quân đội.
Cựu lính dù Kimura cho biết Nhật Bản “tuyển dụng bất kỳ ai vì không ai nghĩ sẽ có một cuộc xung đột vũ trang thực sự”.
Trong nỗ lực ngăn chặn đà suy giảm quân số, năm 2018, Nhật Bản đã tăng độ tuổi tối đa của tân binh từ 26 lên 32. Một giải pháp khác là sử dụng nhiều phương tiện không người lái trên không, trên biển và trên đất liền.
Quân đội Nhật Bản thậm chí còn được cho là đang xem xét cho phép tân binh có hình xăm, vốn gắn liền với định kiến xấu trong xã hội nước này.
Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ quân nhân vào năm 2030 lên 13%, từ mức 9% hiện nay.
Với hình ảnh các nữ quân nhân tươi cười, trang web của Bộ quốc phòng Nhật Bản hứa hẹn “một môi trường phù hợp với phụ nữ”.
Nhưng theo giáo sư Fumika Sato từ Đại học Hitotsubashi, có một khoảng cách đáng kể giữa những lời mời chào nhập ngũ với thực tế.
"Quân đội là môi trường thuận lợi cho quấy rối và bạo lực tình dục”, giáo sư Sato chỉ ra.
Trong năm qua, quân đội Nhật Bản đã phải hứng chịu tai tiếng sau khi một loạt vụ bê bối tấn công tình dục bị phơi bày.
Mọi chuyện bắt đầu khi cựu quân nhân Rina Gonoi công khai những cáo buộc lạm dụng tình dục trong quân ngũ. Tính đến tháng 3 năm 2023, số lượng tân binh nữ đã giảm 12%, trước đó đã tăng hàng năm kể từ năm 2017.