Hai nhà lãnh đạo và hai phu nhân đã cùng đi bộ đến đặt hoa tại đài tưởng niệm nằm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này.
Phát biểu trước hội nghị song phương, Thủ tướng Kishida cho biết: “Chuyến thăm đài tưởng niệm rất có ý nghĩa đối với quan hệ song phương và cũng như cầu nguyện cho hòa bình thế giới”.
Về phần mình Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh: "Chuyến thăm chung của chúng tôi hôm nay sẽ được ghi nhớ... để cùng nhau chuẩn bị cho một tương lai hòa bình".
Kể từ khi Hàn Quốc thành lập quỹ do chính phủ hậu thuẫn để đền bù cho các những người bị cưỡng bức lao động trong thời chiến, quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã được cải thiện tích cực, trong đó có việc nối lại các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã trở thành vị tổng thống Hàn Quốc đầu tiên gặp gỡ các nạn nhân người Hàn Quốc trong vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima tháng 8/1945, đồng thời cam kết hỗ trợ họ.
Nhiều người Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong các công ty của Nhật Bản đã thiệt mạng trong hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Ước tính khoảng 70.000 người trên Bán đảo Triều Tiên bị phơi nhiễm bởi các vụ ném bom này và 40.000 người đã qua đời. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu trả tiền đền bù cho các nạn nhân ở nước ngoài từ năm 2003. Tại Hàn Quốc, một đạo luật ủng hộ nạn nhân của bom nguyên tử đã có hiệu lực từ năm 2016.