Ý tưởng được các nhà khoa học quan tâm đó là một thiết bị làm bằng gỗ có thể cháy an toàn khi quay lại Trái đất.
Hiện tại, rác không gian đang trở thành mối quan tâm ngày càng tăng của các chuyên gia bởi nó có khả năng gây ra mối nguy hiểm cho môi trường.
Giáo sư tại Đại học Kyoto và phi hành gia Nhật Bản Takao Doi cho biết lợi thế của vệ tinh bằng gỗ ở chỗ nếu nó rơi ra khỏi quỹ đạo và bốc cháy khi quay lại sẽ không giải phóng nhiều hạt có hại như vệ tinh bằng kim loại.
"Chúng tôi rất lo ngại về thực tế là tất cả các vệ tinh đi vào lại bầu khí quyển của Trái đất sẽ cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ rôi nổi trong tầng cao của bầu khí quyển trong nhiều năm. Cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường của Trái đất", ông Doi cho biết.
Đại học Kyoto và công ty Sumitomo Forestry sẽ bắt đầu thử nghiệm các loại gỗ khác nhau có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt như thế nào trên Trái đất nhằm phát triển một loại gỗ có thể chịu được những biến động dữ dội về nhiệt độ và ánh sáng Mặt trời.
Daniel Oltrogge, Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn và Đổi mới Không gian (CSSI) nhận định rằng: "Các mảnh vỡ không gian ngày càng được quan tâm và sự va chạm của hai vật thể có khối lượng lớn từ 1 đến 10 tấn sẽ gây ra rủi ro môi trường lớn nhất".
Oltrogge cũng cho biết CSSI tin rằng có 760.000 vật thể có kích thước lớn hơn một cm trên quỹ đạo vào lúc này.
Con số đó ngày càng tăng, đặc biệt là với việc các công ty thương mại phóng các vệ tinh theo kế hoạch của riêng họ. Đơn cử như SpaceX của Elon Musk đã phóng gần 900 vệ tinh Internet tốc độ cao Starlink cho đến nay và dự kiến cuối cùng sẽ phóng từ 12.000 đến 42.000. Hay như Amazon đang dẫn đầu một dự án tương tự có tên Project Kuiper đã giành được sự chấp thuận của FCC vào tháng 7 để phóng tới 3.236 vệ tinh.