Hôm thứ Tư, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Rishi Sunak đã đặt bút ký vào thỏa thuận quốc phòng tại London. Thỏa thuận này giúp mở rộng mạng lưới các hiệp ước quốc phòng của Nhật Bản và cho phép Vương quốc Anh tăng cường hợp tác quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận này "củng cố" cam kết của Anh đối với khu vực.
“Trong thế giới ngày càng cạnh tranh này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các xã hội dân chủ tiếp tục kề vai sát cánh khi chúng ta vượt qua những thách thức toàn cầu chưa từng có trong thời đại của chúng ta”, ông Sunak khẳng định.
Về phần mình, ông Kishida cho biết thỏa thuận này sẽ trở thành "nền tảng" cho hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
"Nhật Bản và Vương quốc Anh đang hợp tác để đảm nhận trách nhiệm giải quyết các vấn đề chiến lược mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt", ông Kishida tuyên bố.
Đây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên mà Nhật Bản ký kết với một đối tác châu Âu. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 9 năm 2021 và đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc vào tháng 5 năm ngoái. Thỏa thuận này là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc giữa hai quốc đảo.
Chuyên gia Robert Ward từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định rằng thỏa thuận này là "một bộ khuếch đại hậu cần cho các hoạt động của Nhật Bản và các quốc gia có cùng chí hướng khác trong khu vực rộng lớn này".
Ông Ward cũng gợi ý rằng Pháp có khả năng là ứng cử viên trong tương lai cho một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản.
Vào tháng 12, Vương quốc Anh và Nhật Bản cũng đã đồng ý cùng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Italia. Đây được coi là một bước đột phá lớn của chính phủ Nhật Bản, vốn chủ yếu làm việc với Mỹ về các vấn đề quốc phòng.
"Những gì chúng ta đang thấy là nỗ lực thực sự của Nhật Bản nhằm xây dựng quan hệ đối tác của mình, không chỉ trong bối cảnh liên minh với Mỹ, mà còn trong một số mối quan hệ song phương và thậm chí ba bên", theo ông Zack Cooper, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết.
Ông Cooper cho biết chính quyền Tokyo đang cố gắng "đi từ một nan hoa trong mô hình trục bánh xe và nan hoa thành một trung tâm của riêng mình". Trước đó, Nhật Bản đã ký với Australia một thỏa thuận tương tự vào tháng 1 năm ngoái, cũng như cải thiện các cam kết với Italia và Ấn Độ.
Vương quốc Anh mong muốn tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ khi xác định khu vực này là "quan trọng" đối với nền kinh tế và an ninh của Anh.
Nước này đặt mục tiêu trở thành "đối tác châu Âu với sự hiện diện rộng rãi nhất, tích hợp nhất để hỗ trợ thương mại cùng có lợi, an ninh và giá trị chung" vào năm 2030.
Kể từ đó, một nhóm tấn công tàu sân bay của Anh đã tiến hành triển khai tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hai tàu tuần tra đã thường trú tại khu vực kể từ tháng 9 năm 2021.