Hiện tượng nhật thực xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất nằm trên một đường thẳng hoặc gần thẳng đồng thời Mặt Trăng đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất. Nhật thực toàn phần diễn ra khi Mặt Trăng ở quanh cận điểm quỹ đạo, che khuất hoàn toàn Mặt Trời, khi đó các vùng bóng tối và bóng nửa tối sẽ hình thành trên bề mặt Trái Đất. Để có thể quan sát được nhật thực toàn phần, người xem phải đứng ở trên đường di chuyển của vùng bóng tối của Mặt Trăng. Những người đứng ở vùng bóng nửa tối chỉ quan sát được hiện tượng nhật thực một phần.
Lần này, chỉ có thể quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần ở Nam Cực. Nhà khoa học Raul Cordero thuộc Đại học Santiago de Chile (USACH) là một trong số ít người chứng kiến toàn bộ hiện tượng chỉ kéo dài hơn 40 giây. Để có được trải nghiệm trên, các nhà khoa học, chuyên gia và du khách ưa mạo hiểm phải trả khoảng 40.000 USD.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã truyền trực tiếp hiện tượng trên từ trại Union Glacier ở Nam Cực, cách Bắc Cực khoảng 1.000 km về phía Bắc.
Theo NASA, có thể quan sát hiện tượng nhật thực một phần ở các khu vực thuộc Nam bán cầu, trong đó có Saint Helena, Namibia, Lesotho, Nam Phi, Chile, New Zealand và Australia.
Lần gần đây nhất, nhật thực toàn phần xảy ra ở Nam Cực vào ngày 23/11/2003. Dự kiến, khu vực này sẽ chứng kiến nhật thực toàn phần tiếp theo vào năm 2039.
Nhật thực hình khuyên - xảy ra khi đĩa của Mặt Trăng che khuất trung tâm đĩa của Mặt Trời, chỉ có các phần rìa bên ngoài của Mặt Trời bị lộ ra và khi quan sát sẽ thấy vùng rìa ngoài của Mặt Trời có hình dạng như một chiếc nhẫn, dự kiến sẽ xảy ra ở khu vực Bắc Mỹ vào tháng 10/2023, sau đó hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào tháng 4/2024.