Nhiều bà mẹ Hàn Quốc cho con tiêm hormone tăng trưởng vì ám ảnh chiều cao

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bạn sẽ làm gì để cao thêm vài cm? Đối với một số người Hàn Quốc, câu trả lời có thể là chi nhiều tiền để mua vitamin, dùng dược liệu chứa gạc hươu và nhân sâm, tiêm hormone tăng trưởng hàng ngày, châm cứu và thậm chí là phẫu thuật.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dân số Hàn Quốc đã tăng chiều cao với tốc độ đáng kinh ngạc trong thế kỷ qua, so với phần còn lại của thế giới. Theo nghiên cứu của Đại học Hoàng gia ở London (Anh), phụ nữ Hàn Quốc đã tăng chiều cao 20,2 cm và nam giới là 15,2 cm trong khoảng thời gian từ năm 1914 đến năm 2014. Mức tăng trưởng trung bình toàn cầu trong cùng thời kỳ là 7,62 cm.

Chiều cao trung bình của người Hàn Quốc ngày nay là 159,6 cm đối với nữ và 172,5 cm đối với nam. Tốc độ tăng trưởng vượt bậc được cho có liên quan đến những cải thiện đáng kể về dinh dưỡng và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên nỗ lực không ngừng của một bộ phận người dân để trở nên cao hơn trong thời gian gần đây cũng góp phần vào mức tăng trưởng này.

Viện nghiên cứu thị trường thuốc IQVIA cho biết, thị trường hormone tăng trưởng của Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi sau 4 năm, từ 126,2 tỷ won (96,1 triệu USD) năm 2018 lên 237,2 tỷ won năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc vào tháng 1, doanh số bán các loại thực phẩm chức năng liên quan đến chiều cao đã tăng gấp 10 lần trong cùng thời kỳ. Xu hướng chiều cao không chỉ có ở Hàn Quốc, tuy nhiên, nỗi ám ảnh đặc biệt rõ rệt tại nước này đối với những người tích cực theo đuổi chiều cao.

Tạo nền móng từ nhỏ

“Đứa con thứ hai của tôi không thấp nhưng cũng không cao, do đó tôi muốn đến một phòng khám và nếu có thể sẽ điều trị bằng hormone tăng trưởng cho con. Là cha mẹ, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải cố gắng hết sức để giúp con mình thành công”, một bà mẹ hai con họ Noh chia sẻ với phóng viên tờ Korea JoongAng Daily khi cô rời một phòng khám ở trung tâm Seoul.

Cô Lee Hyun-su, cũng ở cùng phòng khám với cậu con trai 9 tuổi của mình, tâm sự: “Chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để bọn trẻ vẫn có thể cao lên, và tôi muốn làm những gì có thể cho con trai”. Lee Hyun-su cho biết con trai cô thấp hơn mức trung bình trong nhóm tuổi của cậu khoảng 2 cm.

Theo Dịch vụ Đánh giá và Xem xét Bảo hiểm Y tế, có 43.618 trẻ em Hàn Quốc đã đến bệnh viện vì tầm vóc thấp bé vào năm 2021, tăng 22,6% so với năm trước. Kể từ năm 2016, con số này đã tăng gấp đôi. Số lượng thực dự kiến cao hơn nhiều bởi nhiều gia đình lựa chọn đến các phòng khám tư nhân trong khi những cơ sở này không bắt buộc phải đăng ký với Dịch vụ Đánh giá và Xem xét Bảo hiểm Y tế.

Các phòng khám tăng trưởng theo dõi lộ trình phát triển của trẻ và kiểm tra bất thường về chiều cao hoặc rối loạn tăng trưởng. Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho trẻ thấp lùn là tiêm hormone tăng trưởng. Tại các phòng khám dựa trên Đông y, các bác sĩ thường khuyên dùng thảo dược và châm cứu.

Việc tiêm hormone tăng trưởng, đặc biệt phổ biến đối với các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi chuẩn bị dậy thì, tiêu tốn khoảng 10 triệu won mỗi năm và các phương pháp điều trị thường được tiến hành trong khoảng 5 đến 6 năm. Bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho những trẻ có chiều cao nằm trong nhóm 3% thấp nhất trong độ tuổi của chúng và những trẻ đã được chẩn đoán bị thiếu hụt hormone tăng trưởng hoặc rối loạn tăng trưởng.

Một học sinh lớp 10 họ Hong cho biết em đã tiêm hormone tăng trưởng “hàng đêm vào chân, tay và bụng” từ lúc 10 tuổi cho đến 15 tuổi. Hong sinh ra hơi nhẹ so với mức trung bình và cậu hiện cao 171 cm - chỉ thấp hơn 1 cm so với mức trung bình quốc gia.

Một bà mẹ họ Kim sống ở Australia nhưng vẫn đến Hàn Quốc hai lần mỗi năm để tiêm hormone tăng trưởng cho 2 con của cô, hiện 9 và 8 tuổi. Cô nói: “Các con tôi có tầm vóc thấp bé chưa rõ căn nguyên (ISS) nhưng rất khó tìm được bác sĩ ở Australia kê đơn thuốc tiêm". Tầm vóc thấp bé chưa rõ căn nguyên là thuật ngữ miêu tả tình trạng chiều cao hạn chế không có nguyên nhân cơ bản. Nó lành tính về mặt y tế và không được phân loại là rối loạn tăng trưởng.

Cô Kim biết rằng có rủi ro khi không có bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bọn trẻ, đặc biệt là vì việc tiêm hormone có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như huyết áp cao và đau khớp. Con gái đầu của cô đã cao thêm khoảng 10 cm mỗi năm kể từ lần đầu tiêm vào năm 2019. “Bây giờ thật khó để từ bỏ, đặc biệt là sau khi chứng kiến con trai thứ hai của tôi bị xô đẩy và trêu chọc ở trường vì vóc dáng thấp bé”, cô Kim giãi bày

Sự kỳ thị của xã hội

Định kiến xã hội về chiều cao, còn được gọi là kỳ thị dựa trên chiều cao, lần đầu tiên được công khai thừa nhận ở Hàn Quốc vào năm 2009 khi một nữ khách mời trong chương trình truyền hình “Global Talk Show” của đài KBS chia sẻ rằng theo tiêu chuẩn của cô, tất cả đàn ông cao dưới 1m80 là “kẻ thua cuộc”. Đã có hơn 200 người đệ đơn thông qua Ủy ban Trọng tài Báo chí yêu cầu KBS bồi thường thiệt hại 4 tỷ won.

Trong một cuộc khảo sát năm 2016 của Opensurvery, hơn 50% trong số 500 người tham gia ở độ tuổi từ 9 đến 16 tuổi và cha mẹ của họ đã trả lời rằng chiều cao là một phần quan trọng trong cuộc sống. Lý do được đưa ra là 38% cho biết nhằm tăng cường sự tự tin; 27,4% lại nói rằng vì được xã hội chấp nhận; 20,9% nhận định chiều cao quan trọng đối với việc hẹn hò.

Một nhân viên tại công ty tư vấn hôn nhân Gayeon chia sẻ:“Chiều cao là một yếu tố nhất định mà nhiều khách hàng của chúng tôi cân nhắc khi lựa chọn người bạn đời tương lai của họ. Khách hàng nữ có xu hướng xem xét chiều cao nhiều hơn. Cả khách hàng nam và nữ đều có giới hạn chiều cao rất cụ thể. Chẳng hạn, nam giới muốn một người phù hợp cao ít nhất 160 cm và nữ giới muốn một người cao trên 170 cm”.

Trong hai thập kỷ qua, chiều cao ngày càng được coi như một đặc điểm lý tưởng. Các thần tượng K-pop được coi là biểu tượng sắc đẹp ngày càng có chiều cao ấn tượng hơn, với nhiều người còn cao hơn mức trung bình quốc gia.

Tác động tiêu cực về chiều cao thấp tác động đến nam giới mạnh hơn so với nữ giới. Những người đàn ông thấp hơn 1m72 bị gọi là kijaknam, một thuật ngữ mang tính xúc phạm đối với những người đàn ông thấp.

Phương án cuối cùng: phẫu thuật kéo dài chân

Áp lực xã hội về chiều cao có thể khiến một số người phải thực hiện các biện pháp quyết liệt như phẫu thuật kéo dài chân của họ. Đây là thủ thuật có nguy cơ cao liên quan đến việc làm gãy hai xương đùi và sau đó là quá trình phục hồi khó khăn. “Trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể không đi lại được nữa”, bác sĩ phẫu thuật Lee Dong-hoon ở Seongnam, tỉnh Gyeonggi cho biết. Bác sĩ Lee Dong-hoon thực hiện khoảng 300 ca phẫu thuật kéo dài chân mỗi năm.

Chi phí phẫu thuật kéo dài chân có thể dao động từ 40 triệu won đến 80 triệu won. Phải mất khoảng bảy tháng để bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ phẫu thuật người Italy Alessandro Codivilla (1861–1912) lần đầu tiên viết về việc kéo dài chân vào năm 1905. Lĩnh vực kéo dài chân phát triển hơn vào những năm 1980 khi phương pháp Ilizarov, sử dụng nẹp giống như vòng kim loại để tái tạo, định hình lại hoặc kéo dài xương, được phát minh bởi bác sĩ phẫu thuật người Nga Gavriil Ilizarov (1921-1992).

Nếu được thực hiện thành công, việc phẫu thuật này có thể giúp bệnh nhân cao thêm 6 cm hoặc thậm chí là 18 cm.

Tuy nhiên, bác sĩ Lee Dong-hoon khẳng định rằng kéo dài chân là cuộc phẫu thuật nguy hiểm với tác dụng phụ đáng kể nếu diễn ra sai cách hoặc thời gian phục hồi mệt mỏi ngay cả khi được thực hiện thành công, vì vậy nó cần phải được "cân nhắc cẩn thận."

Giáo sư Lim In-sook tại Đại học Hàn Quốc nhận định: “Thay vì dành quá nhiều thời gian và nguồn lực của chúng ta cho một thứ gì đó sẽ không bao giờ được thỏa mãn, điều quan trọng cần nhớ là ngoại hình chỉ là một phần nhỏ trong những gì khiến một người thực sự cảm thấy xinh đẹp”.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.