Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID–19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới. Với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, nhiều quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh, có độ bao phủ vaccine rộng khắp cũng lao đao để ứng phó với biến chủng này.
Ở trong nước, từ khi xuất hiện biến chủng Delta vào cuối tháng 4/2021, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã phải căng mình chống dịch. Dịch bệnh đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Trên tinh thần và phương châm “chống dịch như chống giặc”; “bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, bằng những giải pháp sát tình hình thực tiễn, sớm đề ra chiến lược vaccine phù hợp, đến nay nước ta từng bước khống chế được phạm vi tác động của dịch bệnh. Trong hoàn cảnh khó khăn do tác động nặng nề bởi dịch bệnh, và kinh tế các nước trong khu vực và thế giới kinh tế suy giảm, thậm trí là âm thì GDP của 9 tháng, ước đạt mức tăng trưởng 1,42%, là một thành công. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong sự nỗ lực chung là “vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh”, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương là các trung tâm công nghiệp, kinh tế ở phía nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Là một quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với sự phát triển mạnh của các hoạt động thương mại, đầu tư,… những kết quả đạt được về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đã đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, ngành nông nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho đời sống dân sinh.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt do dịch bệnh, tiềm lực kinh tế còn hạn chế nhưng nhìn về tổng thể 9 tháng đầu năm 2021, nước ta luôn giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu và đã thực hiện rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác chăm lo tốt cho an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thực sự là điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn.
Về sự giảm sâu của một số ngành, lĩnh vực trong thời gian gần đây, nhất là du lịch, dịch vụ, vận tải hàng không, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, đây cũng là điều dễ hiểu bởi tác động của đại dịch COVID-19 khiến các tỉnh, thành phố trọng điểm, đầu tàu kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, diễn biến dịch phức tạp, khó lường và giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 7 đến nay tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hà Nội tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực, nhất là du lịch và dịch vụ.
Bên cạnh những thuận lợi, dự báo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH những tháng cuối năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt. Nhưng với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khi căn cứ vào tình hình thực tế, kịp thời đề ra các giải pháp khả thi để chuyển đổi mô hình chiến lược chống dịch hiệu quả, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, triển vọng phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm sẽ rất khả quan.
“Việc mở lại của nền kinh tế là cần thiết khi chúng ta đã chuẩn bị kỹ các điều kiện như tỉ lệ bao phủ vaccine trên toàn quốc ngày càng cao. Các kịch bản cho ứng phó với dịch bệnh, duy trì hoạt động phát triển kinh tế ở các địa phương ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tế”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh phân tích.
Trong quá trình tái khởi động, mở cửa trở lại nền kinh tế sau cao điểm chống dịch, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm bảo đảm tốt vấn đề cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu lao động đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất. Quan tâm thúc đẩy tăng trưởng ở các trụ cột là đẩy mạnh việc phân bổ, giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công, hỗ trợ xuất khẩu, tăng tiêu dùng nội địa.
Đối với động lực tăng trưởng là xuất khẩu, cần hết sức chú ý đến triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nút thắt trong lưu thông hàng hoá, tổ chức thực hiện kịp thời gói hỗ trợ để kích thích sản xuất, kinh doanh.
Theo đại biểu Quốc hội, khi đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, các bộ, ngành địa phương quan tâm, áp dụng các biện pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thông thương, đi lại, làm ăn để thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ an toàn, đây cũng là một lĩnh vực động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN, phát triển vaccine phòng COVID-19 ở trong nước, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19; thuốc chữa COVID-19, trong đó có thuốc cổ truyền; tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và công tác cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là việc thúc đẩy triên khai có hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.