Trong cuộc biểu tình mang tên "Chào mừng đến địa ngục", hơn 10.000 người thuộc một nhóm chống Trump và chống chủ nghĩa tư bản - nhiều người mang mặt nạ - tấn công các cơ quan chức năng, gây hỏa hoạn, ném đá vào các cảnh sát và tòa nhà, hô khẩu hiệu và giương các biểu ngữ giận dữ.
Sau đó, cảnh sát chống bạo động Đức đã cố gắng giải tán những người biểu tình bằng hơi cay, bom khói và đại bác bắn nước.
Ít nhất 15 nhân viên cảnh sát Hamburg đã bị thương trong cuộc cận chiến sau khi đám đông ném đá và chai lọ vào họ. Ba cảnh sát viên đã phải nhập viện, trong đó có một người bị thương tích ở mắt do pháo nổ phát nổ.
Theo nguồn tin từ phía cảnh sát Hamburg thì các nhân viên cấp cứu cũng bị tấn công. Những người biểu tình còn ném đá và nhiều vật dụng khác vào các tòa nhà, gây hư hỏng nhiều cửa hàng mặt phố, cửa sổ tòa nhà và ngân hàng.
Bên cạnh đó, một vụ nổ nhỏ xảy ra cạnh xe tải chứa đại bác bắn nước của cảnh sát. Xe hơi và các đồ vật khác cũng bị đốt cháy. Đoàn biểu tình thậm chí làm hư hỏng các cột đèn, đập phá xe cộ và công trường xây dựng.
Hàng chục bác sỹ đã có mặt tại hiện trường điều trị những người biểu tình bị thương. Tuy nhiên, cảnh sát Hamburg vẫn chưa đưa ra con số chính thức về số người bị thương hoặc bị bắt.
Các nhà chức trách cũng cho biết họ đã đóng cửa một phần của hệ thống giao thông công cộng Hamburg như một biện pháp phòng ngừa.
Nils Thiergartem (21 tuổi) nói với phóng viên của NBC: "Cuộc biểu tình được gọi là "Chào mừng đến với địa ngục" và tôi nghĩ rằng cái tên đã nói lên tất cả mọi thứ".
Eulalia Gomez, từ Tây Ban Nha, nói: "Tôi nghĩ rằng thật không công bằng khi chỉ có 20 quốc gia - 20 nước giàu nhất hành tinh – được đưa ra tất cả các quyết định kinh tế cho cả thế giới.”
Một số người biểu tình thậm chí còn đang uống rượu bia trong khi quan sát sự hỗn loạn từ mép ngoài của cuộc chiến.
Nhiều giờ sau khi bạo lực nổ ra, cảnh sát đã bắt đầu hướng những người biểu tình ôn hoà tránh xa đám đông bạo lực và đưa ra thông điệp cho đoàn biểu tình rằng cuộc biểu tình đã được hoãn lại.
Đến 10h30 chiều Giờ địa phương, khoảng 4.500 người biểu tình vẫn ở gần quận St. Pauli của Hamburg, ít hơn một nửa số lượng đỉnh điểm vào đầu ngày, theo lời cảnh sát.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà chức trách ở Hamburg có vẻ như giành lại quyền kiểm soát ở một số khu vực, khói và khí đốt từ các loại vũ khí sử dụng bởi cảnh sát vẫn tràn ngập, tạo ra một bối cảnh đáng lo ngại cho các nhà lãnh đạo thế giới đến hội nghị thượng đỉnh.
Sự hỗn loạn này đánh dấu sự tương phản rõ nét với sự đón tiếp dành cho Tổng thống Trump tại Warsaw, Ba Lan trước đó.
Tuy vậy, Tổng thống Trump không phải là nguyên nhân duy nhất của cuộc biểu tình. Các cuộc biểu tình chống lại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 diễn ra thường xuyên hàng năm, dịp mà phe chống chủ nghĩa tư bản bày tỏ thái độ của mình, đôi khi bằng những hình thức vô cùng bạo lực.
Đáng chú ý trong những trường hợp bất ổn trước đây là bạo loạn bên ngoài cuộc họp thượng đỉnh ở Toronto năm 2010 và London năm 2009, dẫn đến thương vong không đáng có. Năm 2001, bên ngoài hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Genoa, một người bị bắn chết và hàng trăm người bị thương.
Như từ trước đến nay, các nước chủ nhà của các hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn như G-20 sẽ chọn địa điểm tổ chức tại những khu vực mà an toàn, dễ khống chế được các cuộc biểu tình. Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chọn tổ chức cuộc họp G-20 ở nơi trung tâm của thành phố đông dân Hamburg.