Với đội ngũ hơn 60 giảng viên là tiến sỹ tốt nghiệp tại các trường Đại học tại Cộng hòa Pháp, các hoạt động nghiên cứu cũng như đào tạo và hợp tác quốc tế của đội ngũ Pháp ngữ trường Đại học GTVT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trên cơ sở đó, năm 2018, Tổ chức đại học Pháp ngữ đã lựa chọn trường đại học Giao thông vận tải triển khai dự án “Tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu và các dự án nghiên cứu trong mối tương quan với quy trình chất lượng”, với mục tiêu lần đầu áp dụng Quy trình chất lượng của AUF vào thực tiễn trong việc đánh giá các hoạt động nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục cụ thể, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả của quy trình cũng như rút ra các bài học cần thiết nhằm tăng cường các hoạt động NCKH của các đơn vị giáo dục đại học.
Cũng cần nói thêm rằng, Quy trình cải tiến chất lượng áp dụng cho việc tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu và các dự án nghiên cứu được soạn thảo theo sáng kiến của Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học thành viên AUF khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CONFRASIE), và được ban hành vào năm 2017.
Sau 2 năm 4 tháng thực hiện, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng dự án vẫn hoàn thành đầy đủ các khối lượng công việc theo đúng tiến độ. 9 hoạt động chuyên đề cụ thể được chia đều trong 3 năm từ 2018 đến 2020 với các nội dung chính liên quan tới việc khảo sát hiện trạng các hoạt động nghiên cứu & công nghệ của trường đại học Giao thông vận tải, các khóa đào tạo của chuyên gia trong và ngoài nước, xây dựng các mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động tới năm 2030 và tầm nhìn 2050, xây dựng hệ thống đánh giá tự động dựa trên quy trình quản lý chất lượng và đề ra những giải pháp cải tiến chất lượng.
Nhằm đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được trong khuôn khổ dự án, trong 2 ngày 20- 21/8/2020, trường Đại học Giao thông vận tải đã mời TS. Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội, chuyên gia về đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đào tạo Pháp ngữ tham gia đánh giá cuối kỳ dự án.
Sau hai ngày tập trung làm việc và trao đổi với nhóm nghiên cứu, rà soát lại từng hoạt động cũng như các mục tiêu và các kết quả đạt được của dự án, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương đánh giá cao sự sáng tạo, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, khoa học của nhóm nghiên cứu trong quá trình triển khai dự án cũng như những kết quả mà dự án đạt được đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những ý kiến quý báu để nhóm bổ sung và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
PGS.TS. Nguyễn Duy Việt – Phó Hiệu Trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải – Trưởng dự án làm việc với chuyên gia tổ chức Pháp ngữ và các đơn vị liên quan |
Đến ngày 11/12/2020, Hội thảo tổng kết cuối kỳ dự án đã được thực hiện theo đúng tiến độ tại trường đại học Giao thông vận tải. Đây cũng là sự kiện cuối cùng của dự án nhằm, một mặt đánh giá tổng thể các công việc đã được thực hiện, đồng thời với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học, đã cùng thảo luận, phối hợp vai trò nhiều bên: tổ chức tài trợ quốc tế, tổ chức tài trợ trong nước, các doanh nghiệp, các trường đại học, các nhà khoa học nhằm đưa ra thêm một số giải pháp tổng thể tận dụng thế mạnh nguồn lực từ nhiều phía góp phần nâng cao chất lượng hoạt động NCKH và theo đó là Đào tạo đại học tại Việt Nam cũng như trong cộng đồng Pháp ngữ.
Đại diện các chuyên gia và Ban điều hành dự án tại Hội thảo Tổng kết dự án quản lý chất lượng. |
Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó đặc biệt chú ý tới đề xuất của TS. Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin – Tổng công ty đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP Becamex IDC trong việc hợp tác giữa ba Nhà, “Nhà khoa học, Nhà nước, và Nhà doanh nghiệp” nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng chủ thể và hướng tới mục tiêu lớn.
Tiến sỹ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin – Tổng công ty đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP Becamex IDC Bàn về mô hình hợp tác chung giữa ba Nhà, “Nhà khoa học, Nhà nước, và Nhà doanh nghiệp” tại Hội thảo Quản lý chất lượng |
Trong hội thảo, một lần nữa, vai trò của các tổ chức tài trợ trong nước và ngoài nước như Tổ chức đại học Pháp ngữ hay Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia Nafosted và các mạng lưới liên kết khoa học toàn cầu được nhấn mạnh. Các chuyên gia cũng đề cao vai trò và sự cần thiết thành lập các Trung tâm Khoa học công nghệ chung giữa trường đại học, tổ chức tài trợ trong và ngoài nước và doanh nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề thực tế nảy sinh.
Nguyễn Thị Cúc - Giám đốc Trung tâm CFOS, Đại học GTVT