Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô giáo chủ nhiệm lớp này. Nhưng sự trừng phạt đó chẳng làm dư luận nguôi ngoai…
Gieo chữ biến thành gieo mầm ác
Sự việc đau lòng xảy ra tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Nguyên nhân được biết, chiều 19/11, trong giờ học nhạc, phần tác giả ghi “Dân ca Thanh Hóa”, em Hoàng L. N., học sinh lớp 6/2, trường THCS Duy Ninh đã trêu bạn bằng cách đọc to “dân ca Thanh” thật to, chữ “Hóa” nhỏ lại vì bạn ngồi bên cạnh có mẹ tên Thanh. N. bị kết tội chửi bạn. Cô giáo chủ nhiệm của lớp này là Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977) ngay lập tức đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má N. với yêu cầu: Bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị N. tát lại gấp đôi. Thậm chí, khi có bạn cùng lớp thương N. quá vừa tát vừa khóc, cô vẫn dửng dưng: “tát đến lúc nào đủ thì thôi”.
Sau khi bạn học sinh cuối cùng tát xong, cô Thủy bồi thêm một cái tát cuối cùng đau điếng khiến gương mặt cậu bé sung vù, tím tái, phải nhập viện điều trị. Theo một học sinh của lớp, lớp 6/2 có 27 học sinh, chiều ngày xảy ra sự việc có 3 bạn vắng học nên N. chỉ bị 23 bạn tát. Em Nguyễn Trung Nguyên - Lớp trưởng lớp 6/2 cho biết thêm, trước đó cũng đã có 10 bạn bị tát với cùng nguyên nhân như vậy.
Bà Trần Thị Chước - mẹ của HS N. bàng hoàng kể lại, “Lúc cháu về nhà, thấy mặt con sưng vù tím tái tôi mới gặng hỏi nó nguyên nhân. Nghe nó nói bị cô giáo ra lệnh cho cả lớp tát vào mặt, tôi bức xúc lắm. Tôi không ngờ, để giáo dục học sinh thành người mà cô giáo lại dùng hình phạt nặng nề, ảnh hưởng nhân phẩm đến như vậy.
Điều khiến người ta phẫn nộ hơn là sau khi câu học sinh vào viện với cái miệng sung phồng, gương mặt bầm tím là hành xử đáng thất vọng của những người lớn liên quan đến vụ việc. Theo mẹ N. kể lại, khi sự việc xảy ra, cô chủ nhiệm có đến nhà đưa 10 triệu đồng, xin tha thứ nhưng gia đình kiên quyết trả lại. Phía nhà trường và chính quyền địa phương cũng có đến thăm cháu nhưng chủ yếu là thuyết phục gia đình không làm to chuyện, vì nhà trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Thậm chí, khi báo giới “gõ cửa” xin trao đổi thông tin, cô hiệu trưởng nhà trường đã xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu chuẩn quốc gia.
Căn bệnh thành tích trầm kha
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã không nén được sự bức xúc nói “không thể tưởng tượng nổi” cách trừng phạt học sinh một cách dã man của cô giáo Thủy. Theo ông, hành vi bạo lực này không thể xử lý theo kiểu xuê xoa, “hòa cả làng” như cảnh cáo hay phê bình được. Căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục bấy lâu nay đã trở thành căn bệnh trầm kha không có thuốc chữa. “Một trường học mà có giáo viên vi phạm nghiêm trọng như thế đối với học sinh thì nhận danh hiệu trường chuẩn để làm gì và có xứng đáng không?” – ông đặt câu hỏi.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường – trưởng VP Luật sư Chính pháp (Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy có thể phải đối mặt với hành vi làm nhục người khác. Nếu tỉ lệ thương tích của học sinh N. được xác định từ 11% trở lên thì có thể khởi tố vụ án Hình sự cố ý gây thương tích. Hành động tát thẳng tay có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác. Nếu khởi tố cô giáo này với tội danh Hành hạ người khác thì sẽ rơi vào khoản 2 của điều Luật này, tức là có tình tiết tăng nặng.
Không phải đến bây giờ, hành vi bạo lực trong nhà trường mới bị phanh phui và lên án rầm rộ. Trước đó, suốt từ đầu năm đến nay, dư luận liên tục ngán ngẩm hết chuyện cô giáo xưng mày - tao, chửi học sinh là con lợn đến cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng... Và bây giờ là cô giáo tổ chức “đánh hội đồng” học sinh một cách vô cảm. 231 cái tát như vết dầu loang làm băng hoại lòng tin, sự kính trọng của người dân đối với đội ngũ thầy cô giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
Sau vụ việc, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT Quảng Bình, yêu cầu báo cáo về việc cô giáo và bạn tát học sinh nhập viện xảy ra trên địa bàn. Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng đã khởi tố vụ án hình sự về “Tội hành hạ người khác” theo điều 140 Bộ Luật Hình sự. Nhưng dư luận xã hội chờ một động thái mạnh tay hơn từ phía Bộ, một sự chấn chỉnh toàn diện, mạnh mẽ hơn trong đội ngũ giáo viên hiện nay, để làm sao Bộ ngăn chặn dứt điểm nạn bạo lực đang ngày một gia tăng trong nhà trường.