Anh Ngô Văn Khương đã khoẻ khoắn trở lại nhờ có lá phổi ghép từ người cho chết não. |
Cuộc đời nay đẹp như mơ
Nghe thấy tiếng xe máy của vợ, anh Ngô Văn Khương (ở thôn Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội) dừng nhát chổi. Chị Hạnh vừa đi chợ về. Anh vui vẻra đỡ lấy đồ ăn và tất bật đi nhặt rau, nấu phụ vợ bữa cơm chiều. Nhìn chồng đã khoẻmạnh, nhanh nhẹn, chị Hạnh nghẹn ngào xúc động.
Để có được hạnh phúc yên bình hôm nay, anh chị từng đối mặt với những tháng ngày dài đớn đau và thấm đẫm nước mắt khi anh tưởng sẽ ra đi mãi mãi vì căn bệnh giãn phế quản mãn tính, lan ra hai bên phế nang giai đoạn cuối vô phương cứu chữa.
Đôi mắt ánh lên niềm vui, anh Khương khoe: “Tôi bây giờ đã được sống một cuộc đời mới rồi, tôi thấy mình như đang mơ, giấc mơ tưởng không bao giờ có được”.
Giờ đây anh Khương đã có thể làm các công việc nhà nhẹ nhàng. |
Anh Khương kể, từ năm 2009, cuộc sống của anh gắn liền với bệnh viện. Căn bệnh tiến triển nặng dần, từ năm 2015 anh phải dùng máy thở để hỗ trợ những lúc cơn suy hô hấp đến. Đỉnh điểm là khoảng tháng 4/2018, khi những cơn khó thở dày hơn và bác sĩ nói bệnh đã đến giai đoạn cuối.
“Lúc đó không chỉ tôi mà vợ tôi như sụp đổ vì căn bệnh này là vô phương cứu chữa, chỉ còn cách thay phổi khác mới mong có cơ hội sống. Điều đó thì ai dám mơ tới. Nhưng gia đình tôi vẫn mong muốn có cơ hội nên đăng ký với Bệnh viện Việt Đức và nằm trong danh sách chờ ghép tạng. Đêm nào vợ tôi cũng khóc trong vô vọng”.
Những tháng ngày bệnh ở giai đoạn cuối với anh Khương như ở địa ngục khi chỉ ngồi trong góc phòng ôm cái máy thở oxy, không có sức để nói, để đi lại.
Khi lá phổi đã hỏng, anh Khương được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để chờ nguồn tạng ghép. May mắn đã đến, khi anh vừa làm xong xét nghiệm để tìm nguồn phù hợp thì nhận được thông báo có người chết não hiến toàn bộ mô tạng và lá phổi hoàn toàn phù hợp với các chỉ số của anh.
16 giờ ngày 12/8/2019, anh Khương bước vào ca mổ lấy - ghép tạng kéo dài 15 tiếng đồng hồ. Ca ghép thành công, anh tỉnh dậy như con người mới. Hơn 3 tháng vượt qua những đau đớn tưởng như chết đi sống lại sau ca phẫu thuật, với sự động viên của các y bác sĩ và gia đình cùng nỗ lực luyện tập hết mình, anh Khương đã hồi phục.
Giờ đây anh Khương đã có thể sinh hoạt như người bình thường, có thể làm được các công việc nhà như nấu ăn, quét dọn, tưới rau, chăm sóc cây cối ngoài vườn. Thi thoảng anh còn tự đi xe máy từ nhà ra ngoài quán bán hàng.
“Tết năm nay tôi khoẻrồi, vui quá nên rất muốn được đi đây đi đó chơi cho bõ những năm tháng bệnh tật đã qua. Tôi luôn biết ơn người đã cho tôi lá phổi, khâm phục sự kỳ diệu của y học và tấm lòng của các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa để tôi có được ngày hôm nay”, anh Khương xúc động.
Bé Hà Ngọc Chi chia sẻ tại buổi tri ân nghĩa cử hiến tạng cao đẹp. |
Chung niềm vui với anh Khương, năm nay bé Hà Ngọc Chi (10 tuổi, người dân tộc Nùng, quê Lạng Sơn) được đón Tết khoẻmạnh với một trái tim khác trong lồng ngực. Chỉ sau gần 2 tháng thực hiện ca ghép tim đặc biệt từ người cho là người lớn, bé Hà Ngọc Chi bắt đầu trở lại nhịp học tập cùng bạn bè. Tuy vẫn còn yếu nhưng bé đã có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Em còn cùng bố mẹ vượt hơn trăm cây số từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Với một bé gái 10 tuổi lại nhiều năm phải chống chọi với căn bệnh giãn cơ tim tưởng như không còn lối thoát, bé Chi dường như có vẻsuy tư hơn những đứa trẻcùng trang lứa. Chi nói năng nhỏ nhẹ, tình cảm, dường như em vẫn còn bàng hoàng sau ca ghép tim.
“Con đã cảm thấy khoẻhơn nhiều. Con muốn nói cảm ơn đến người đã hiến cho con trái tim, cảm ơn gia đình của ân nhân đã mở lòng trao tặng trái tim của người thân cho con. Con cũng biết ơn các y bác sĩ đã rất tận tâm điều trị, chăm sóc cho con”, bé Chi chia sẻ.
Bố mẹ bé Chi cho biết: Ngày 1/10 vừa qua, khi Chi đang ở trong giai đoạn nguy kịch nhất thì một người đàn ông 37 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não và gia đình đã tình nguyện hiến toàn bộ nội tạng của người mất. Sau khi rà soát, các chỉ số của người đàn ông này trùng khớp với bé Chi. Ngay lập tức ca ghép được tiến hành và trái tim ấy tiếp tục đập lại trong lồng ngực của bé Chi. Đây cũng ca ghép tim đặc biệt thứ 2 được thực hiện từ quả tim người lớn hiến tặng ghép cho trẻem thành công.
Thành công nối tiếp thành công
Sáu năm qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã vận động và thu hút hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Riêng năm 2019, đã có 10.000 người đăng ký.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2019, Việt Nam đã thực hiện được hơn 500 ca ghép tạng. Số ca được ghép tạng đã tăng rất nhanh trong 4 năm gần đây, trong đó chủ yếu là ghép thận, tủy, gan, tim, phổi và các loại mô tạng khác. Ghép phổi là kỹ thuật vô cùng khó cũng đã được thực hiện rất thành công”.
Đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Để có được số ca ghép tạng thành công vượt bậc là nhờ có nguồn tạng hiến ngày càng tăng nhanh, nhận thức của người dân về hiến tạng đã có những thay đổi tích cực.
Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, để thực hiện thành công ca ghép tạng cần 4 yếu tố: Chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép. Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện 3 khâu rất tốt. Tuy nhiên, còn một khâu là nguồn hiến tặng mô, tạng vẫn đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng, bởi số lượng người đăng ký hiến mô tạng vẫn còn quá ít so với nhu cầu chờ ghép.
“Người Việt Nam rất nhân văn, nhiều người còn có thể hiến sống dù không cùng huyết thống. Những năm qua, có nhiều gia đình đã quyết định hiến tặng mô tạng của con mình, chồng mình khi không may người thân của họ bị chết não. Những nghĩa cử cao đẹp ấy khiến chúng tôi vô cùng cảm động, họ đã cứu những người bệnh mà chúng tôi không thể cứu”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.