Theo tử vi, những người cầm tinh con Hổ (tuổi Dần) thường dũng cảm, mạo hiểm và luôn kiên trì với ý kiến của mình. Con hổ vốn tượng trưng cho quyền lực, độc lập và tự chủ. Người sinh năm Dần vốn có tài trí hơn người, luôn ấp ủ một ước mơ to lớn, dám nghĩ dám làm. Dù có gặp phải việc không như ý, họ cũng không giữ trong lòng mà tin rằng “sau cơn mưa, trời lại sáng.”
Cùng điểm danh những danh nhân tuổi Dần, có nhiều đóng góp cho sự thăng hoa của dân tộc Việt Nam.
Đức vua Trần Thái Tông (1218-1277)
Đức vua Trần Thái Tông. (Ảnh: phatgiao.org) |
Trần Thái Tông sinh năm Mậu Dần, là vị vua đầu tiên của nhà Trần, tên thật là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh. Ông còn là nhà nghiên cứu Phật học, nhà thơ.
Quê quán Trần Thái Tông ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là Mỹ Lộc, Nam Định). Làm vua từ năm 7 tuổi (năm 1225), ở ngôi 32 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm, trước khi truyền ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng (sau là Vua Trần Thánh Tông).
Ông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Với thắng lợi vẻ vang lưu truyền sử sách, đức vua Trần Thái Tông trở thành một vị minh quân. Ông còn được sử sách Phật giáo tôn xưng như bậc thiền sư.
Qua đời vào năm 1277, thọ 59 tuổi, Trần Thái Tông để lại cho đời sau một số tác phẩm như Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi...
Thái sư Trần Thủ Độ (1194 -1264)
Thái sư Trần Thủ Độ. (Ảnh: Đại Đoàn Kết) |
Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần, đại danh thần Trần, quê Thái Bình. Ông là người sắc sảo, quyết đoán lại giỏi ứng biến, nhiều mưu lược, phò giúp triều Lý chống dẹp các cuộc phản loạn và đạo diễn việc vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh ngày 10/1/1226, lập nên nhà Trần.
Bằng tài năng chính trị và quân sự xuất chúng, ông xử lý sâu sắc, thấu đáo mọi quan hệ, vụ việc, tạo được uy phong lừng lẫy, năm 1234 thăng tới Thống quốc Thái sư (Tể tướng), trở thành trụ cột triều Trần và lãnh đạo nhân dân toàn thắng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1258.
Nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322)
Tượng Lê Văn Hưu trên con đường danh nhân ở làng Đại học Thủ Đức. Ảnh: Báo Phụ nữ |
Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần, tại làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh, khoa thi Đình năm Đinh Mùi (năm 1248) Lê Văn Hưu đỗ Bảng Nhãn (sau Trạng Nguyên) khi 18 tuổi.
Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan (trông coi việc Hình luật), rồi Hàn lâm Viện học sỹ, kiêm Quốc Sử Việt giám tu. Năm 1272, ông đã hoàn thành việc biên soạn “Đại Việt Sử ký” - bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi lại những việc cốt yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Đà ( từ năm 136 trước Công nguyên đến thời Lý Chiêu Hoàng năm 1225), tất cả gồm 30 quyển và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen).
Hiện nay, “Đại Việt sử ký” của ông không còn, “Đại Việt ký tục biên” của Phan Phù Tiên nối tiếp theo bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu, ghi chép sự việc từ đời Trần Thái Tông (mở đầu nhà Trần - năm 1218) đến Lê Lợi chiến thắng quân Minh (năm 1427) gồm 10 quyển cũng đã thất truyền; chỉ còn lưu truyền bộ “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên biên soạn, gồm 15 quyển, hoàn thành vào năm Kỷ Hợi (năm 1479) dưới thời Lê Thánh Tông.
Nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840)
Nhà bác học Phan Huy Chú. (Nguồn: phc.edu.vn) |
Phan Huy Chú sinh năm Nhâm Dần, là nhà thơ - nhà bác học thế kỷ XIX, tự là Lâm Khanh hiệu Mai Phong, sinh tại làng Thụy Khê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Ông là con của Phan Huy ích, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, thi đỗ Tú tài năm 1821. Minh Mạng biết tiếng, triệu ông vào kinh làm biên tu ở Viện Hàn lâm.
Năm 1824, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Năm 1828, làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1830, lại giữ chức Phó sứ sang nhà Thanh, trở về bị khiển trách vì tội lạm dụng quyền hành. Năm 1832, bị buộc sang Giang Lưu Ba (Indonesia).
Đời quan trường của Phan Huy Chú lúc thăng, lúc trầm, nên sinh chán nản, ông từ quan về làng dạy học, viết sách rồi mất vào năm 1840, thọ 58 tuổi.
Bộ sách "Lịch triều Hiến chương loại chí" gồm 49 quyển với 10 năm biên soạn là công trình biên khảo đồ sộ của ông, được coi như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên ở Việt Nam.. Ngoài ra, ông còn biên soạn các cuốn sách khác như "Hoàng Việt dư địa chí", "Hoa thiều ngâm lục" và "Hoa trình tục ngâm."
Nhà chí sỹ Lương Văn Can (1854-1927)
Nhà chí sĩ Lương Văn Can. (Ảnh: Wikipedia) |
Lương Văn Can sinh năm Giáp Dần là chí sĩ cận đại, quê Hà Nội. Nho nhã, thông tuệ, tân tiến, năm 20 tuổi ông đỗ cử nhân, mở trường Đông Kinh nghĩa thục và khởi xướng phong trào Duy tân yêu nước.
Giặc khủng bố, lưu đày ông 7 năm sang Campuchia. Cuối năm 1921, ông trở về Hà Nội, tiếp tục hoạt động chính trị, xã hội và dạy học, viết sách. Ông để lại nhiều công trình giá trị về luân lý, lịch sử và ngôn ngữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tạp chí Cộng sản) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 - năm Canh Dần (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) quê ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội, thọ 79 tuổi.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sỹ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.
Năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam-Nhà văn hóa kiệt xuất”. Tạp chí TIME của Mỹ bầu chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo có nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh. Tác phẩm tiêu biểu của Người là "Bản án chế độ thực dân Pháp," "Tuyên ngôn độc lập," "Tập thơ Nhật ký trong tù"...
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-1942)
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. (Nguồn Tư liệu TTXVN) |
Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong sinh năm Nhâm Dần, là một trong 9 hội viên hạt nhân của Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.
Vào tháng 3/1935, ông được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội I của Đảng ở Macau (Trung Quốc). 4 tháng sau, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng tới dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva (Liên Xô Cũ).
Tại đây, đại hội công nhận Đảng là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, bầu Lê Hồng Phong là Ủy viên Ban Chấp hành.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1902-1941)
Tổng Bí thư Hà Huy Tập. (Nguồn: daihoidang.vn) |
Hà Huy Tập sinh năm Nhâm Dần, quê ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1923, tốt nghiệp Quốc học Huế, rồi dạy học ở Vinh, sau vào Sài Gòn, tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt).
Tháng 7/1936, ông được cử giữ chức Tổng Bí thư. Sau đó, Hà Huy Tập về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Ngày 1/5/1938, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù, trục xuất về nguyên quán.
Ngày 30/3/1940, ông lại bị bắt vì buộc tội là người chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và kết án tử hình (ngày 28/8/1941). Sau 68 năm kể từ ngày hy sinh tại Hóc Môn (Gia Định) đã tìm được phần mộ và di dời hài cốt đồng chí Hà Huy Tập về an táng tại quê hương.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. |
Nguyễn Chí Thanh sinh năm Giáp Dần, tên thật là Nguyễn Vịnh, quê thôn Niêm Phò, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế). Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, giữ các chức vụ Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy (Thừa Thiên), Bí thư Khu ủy (khu IV).
Năm 1945, ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, Tuyên Quang và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Trong kháng chiến chống Pháp, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), ông được cử vào Bộ Chính trị, ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Ông mất ngày 6/7/1967 tại Hà Nội./.